Chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu văn hóa kết tinh những đặc trưng của xã hội hậu hiện đại, xã hội xuất hiện khi Thế chiến thứ Hai kết thúc hoặc để chỉ giai đoạn sau của chủ nghĩa tư bản phát triển. Theo thời gian, trào lưu ấy ảnh hưởng sâu rộng tới mọi khía cạnh của đời sống nghệ thuật nói chung, đời sống văn chương nói riêng. Là một nhánh trong dòng chảy chung của văn học thế giới, văn học Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó của lịch sử. Và tiểu thuyết 6 ngày của nhà văn Tô Hải Vân chính là một trong những biểu hiện về dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại tới đời sống văn học Việt Nam đương đại.
Ký hiệu hóa hiện thực đời sống
Là một nhà văn xuất thân từ khối ngành kinh tế – kỹ thuật, là một tác giả sinh ra, lớn lên trong thời kỳ đất nước và thế giới có nhiều biến động, có thể nói hiện thực đời sống trong văn chương của Tô Hải Vân nói chung, tiểu thuyết 6 ngày nói riêng là một hiện thực đã được ký hiệu hóa bằng hàng loạt các ký hiệu, biểu tượng của khối ngành kỹ thuật kết hợp cùng những cổ mẫu cả sáng tạo lẫn loại hình. Tất cả làm cho hiện thực trong tác phẩm trở lên kỳ ảo, phi thực tế đồng thời khắc họa bóng hình một cái tôi cá nhân giữa đời sống hoài nghi tất thảy cả cuộc đời lẫn chính bản thân mình.
Như đã nói, trước khi đến với văn chương, tác giả Tô Hải Vân là một nhà kinh tế, một nhà khoa học. Bởi thế, các tác phẩm của ông không chỉ chứa đựng những kiến giải hiện tượng, sự việc trên góc độ khoa học mà hơn cả, ở đó ông đã dùng chính những ký hiệu của khoa học kỹ thuật để khái quát, biểu tượng lên hiện thực cuộc sống cùng hình tượng con người khi đứng giữa đời sống muôn ngả. Đó là biểu tượng cuộc đời như một mạch điện và cá nhân con người như một dạng máy móc đã được lập trình sẵn. Người ta không thể làm khác đi, và bất cứ cái gì di biệt đều bị cô lập. “Thực ra, cái lỗi của mình chính là ở chỗ đang là bình thường như bao người, đột nhiên lại mọc thêm (hay đúng hơn là mới chỉ hứa hẹn mọc thêm) mấy phân chiều cao, thành ra bất bình thường. Ở những nơi lạc hậu, dị biệt là điều rất đáng ghét.”
Nhưng đồng thời, nhà văn Tô Hải Vân cũng khẳng định, con người là một chủ thể có suy nghĩ, có mâu thuẫn, luôn đấu tranh giữa hàng loạt những câu hỏi: Ta là ai? Ta tồn tại vì mục đích gì? Ta sống và làm việc để làm gì? Vì thế, cuộc đời con người vừa như một bảng mạch được lập trình sẵn nhưng cũng lại vừa như một bảng vẽ mạch điện, có thể vẽ thêm, có thể bỏ bớt đi những chi tiết dư thừa, có thể làm khác đi lối mòn đã hằn sâu trong tư duy để ngày càng phát triển hoàn thiện. “Đúng, tư duy mới sẽ dẫn đến kết quả mới. Cứ theo kiểu tư duy cũ sẽ chỉ cho ra kết quả tương tự cái cũ […] cái đơn giản nhất thường là cái đẹp nhất, và chính sự đơn giản chứa đựng nhiều suy nghĩ nhất.”
Bên cạnh hàng loạt ký hiệu, biểu tượng đặc trưng của ngành kỹ thuật, nổi bật lên trong tiểu thuyết 6 ngày còn là biểu tượng về ngôi nhà xuyên suốt như một sợi chỉ đỏ. Nhà là ngôi nhà có ma nhân vật tôi mới mua sau khi chia tay vợ, là nơi tôi trú ngụ sau trong hiện tại và có lẽ cả tương lai. Nhà ở đây cũng là ngôi nhà của Nguyệt, nơi đã cưu mang tôi khi anh bị hạ đường huyết đồng thời cũng là nơi chứng kiến, thắp lên ngọn lửa tình yêu giữa anh và cô. Rộng hơn, nhà cũng có thể chính là cơ quan nơi tôi làm việc, sinh hoạt chuyên môn, giao tiếp với đồng nghiệp cùng những người xung quanh… Ngôi nhà, một sự vật mang đầy tính hữu hình mà trên trang văn của Tô Hải Vân, hình tượng ấy lại trở thành một biểu tượng đầy bất định, là thực đó mà cũng đầy hư ảo. Nó hiện hữu như một nơi trú ẩn cho thân xác con người và đồng thời cũng tượng trưng cho sự tìm kiếm, hướng về một mái ấm của trái tim, tâm hồn mang nhiều đau thương, vụn vỡ đang hoài nghi tất thảy.
Ngoài ra biểu hiện hiện thực cuộc sống trong trang viết 6 ngày, tác giả Tô Hải Vân còn sử dụng một hệ thống cổ mẫu dày đặc. Đó là cổ mẫu sinh thái trong biểu tượng nước: tiếng nước chảy ngay đêm đầy tiên tôi sống ở căn nhà mới, chén trà hàng ngày tôi vẫn pha, ly cà phê Nguyệt đã mời tôi uống, dòng sông Hồng trở đi trở lại, mặt sông không có cá Đăng vẫn thường ngôi câu khi chờ Mai… Nước xuất hiện trong hiện thực, và cũng xuất hiện trong giấc mơ chập chờn hư ảo của tôi. Nước là căn nguyên, cội tính của con người, nước cũng biểu tượng cho căn tính nhu hòa của người phụ nữ, đồng thời tượng trưng cho cả những kỷ niệm chìm sâu trong dòng sông ký ức. Hay đó là dáng dấp ký hiệu lửa trong thứ ánh sáng chập chờn của ngọn đèn nơi căn nhà ma ám, trong ánh sáng le lói của tàn thuốc lá cháy dở, và lửa cũng là một biểu tượng của sinh mệnh lẫn đam mê của con người trong cuộc sống. Hoặc đó còn là cổ mẫu về mặt loại hình khi trong tiểu thuyết 6 ngày, tác giả Tô Hải Vân đã có sự kết hợp giữa một bên là thể tiểu thuyết với một bên là thể truyện chương hồi được kể theo kỳ dưới dạng thức “Đọc truyện đêm khuya.”
Và toàn bộ ký hiệu, biểu tượng, cổ mẫu ấy đều được khúc xạ qua lăng kính của cái tôi Tô Hải Vân trước thực tại muôn hình, muôn vẻ. Hiện thực đó kéo dài từ quá khứ cho tới hiện tại và sẽ còn nối tiếp tới tương lai. Tất cả, tạo lên 6 ngày như một biểu tượng lớn cho đời sống cùng những cá nhân con người đương đại, chênh vênh, hoài nghi, bất định, mãi đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi lớn của cuộc đời.
Sự phân thân của chủ thể và sự đa dạng của điểm nhìn tự sự
Nếu như trên khía cạnh hiện thực đời sống, chủ nghĩa hậu hiện đại hoài nghi hiện thực và bản chất của hiện tượng thì trên khía cạnh con người, chủ nghĩa này hoài nghi cái tôi cùng bản thể nhân tính. Mang theo dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại, tiểu thuyết 6 ngày của Tô Hải Vân đã tạo dựng lên chủ thể tự sự như là sự tạo tác từ các vụn vỡ phân thân khác nhau, dưới những góc độ, điểm nhìn đa dạng. Nhưng dẫu là cá nhân nào, có địa vị, danh tính, tên gọi rõ ràng ra sao hay vô tình lướt qua trang sách thì tất cả như chỉ là những mảnh vỡ của một cái tôi bất định, phi trung tâm giữa dòng đời.
Dễ dàng nhận thấy tiểu thuyết 6 ngày được chia ra thành hai tuyến truyện khá rõ rệt: tuyến truyện của tôi – Bản, một kỹ sư điều khiển học vừa bị vợ bỏ, anh đã mua rồi chuyển tới sống ở một ngôi nhà cũ, nghe đồn có ma cùng tuyến truyện đầy bi kịch về tình yêu chớm nở của cặp trai tài gái sắc thời bao cấp Đăng – Mai. Và trong mỗi tuyến truyện, lại có sự phân thân của chủ thể tự sự khác nhau.
Như trong tuyến truyện lấy cuộc đời Bản làm trung tâm thường xuyên có sự nói chuyện, đối thoại giữa anh với một nhân vật vô danh, cũng chính một cái tôi khác tồn tại trong nội tâm Bản. Đó là khi anh đứng trước gương, đó là khi anh đối mặt với ký ức, kỷ niệm, đó là khi anh phải đứng trước những ngã rẽ cuộc đời. Con người hoài nghi chính mình đã tự phân thân để trò chuyện, để thêm thấu hiểu bản thân. Nhưng đồng thời, sự phân thân ấy còn mở rộng, bao trùm cả tuyến nhân vật, những mối quan hệ xung quanh Bản. Bởi tất cả đều bàng bạc một màu kỳ ảo, tạo tác lên từ ánh nhìn của một cá nhân chênh vênh, ngờ vực nên là Nhâm, là Hoài, là Tuyến, là những cư dân nơi ngõ nhỏ, là đồng nghiệp của tôi… hay tất cả chỉ là những nhân cách được đặt tên của một cái tôi mang nhiều vụn vỡ.
Còn trong tuyến truyện về bi kịch tình yêu của Đăng và Mai lại có sự phân thân khác mang đậm chất huyền thoại: linh hồn đã khuất của Mai đang tự kể lại cuộc đời cô. Mai vừa là người kể, vừa là nhân vật song hiện tại cô chỉ tồn tại dưới dạng một linh hồn không thể siêu thoát bao năm vẫn náu mình trong căn nhà xưa cũ với những chấp niệm yêu thương không thể buông bỏ.
Tất cả những phân thân ấy đều được biểu hiện qua sự đa dạng của điểm nhìn tự sự: từ điểm nhìn người kể chuyện tới điểm nhìn nhân vật cùng các khoảng trắng vô tận để điểm nhìn độc giả xuất hiện.
Trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện giữ một vai trò quan trọng, xuất hiện trong tác phẩm với tư cách như một nhân vật đặc biệt xuyên suốt, nhất quán toang bộ tác phẩm. Nhưng trong 6 ngày, dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại, người kể chuyện ở đây không chỉ là một cá nhân mà là những cá nhân khác nhau liên tục thay đổi. Ở dòng tự sự của Bản, người kể chuyện chính là Bản, đặt bên trong nhân vật xưng tôi, kể về cuộc đời anh. Ở dòng tự sự của chuyên mục kể chuyện đêm khuya, người kể chuyện lại ở ngôi thứ ba, điểm nhìn bên ngoài toàn tri kể về câu chuyện tình yêu bi kịch thời bao cấp. Và không phải tới tiểu thuyết 6 ngày, sự đa dạng ngôi kể của người kể chuyện mới được nhà văn Tô Hải Vân sử dụng mà trước đó, ông cũng đã có những thử nghiệm như vậy ở các truyện ngắn để rồi tạo lên kết tinh đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết Người thứ hai. Có thể nói chăng, 6 ngày chính là sự phát triển nối tiếp của nhà văn Tô Hải Vân trong thể nghiệm đa dạng điểm nhìn người kể chuyện từ các sáng tác trước ấy của ông.
Bên cạnh sự đan xen điểm nhìn người kể chuyện, 6 ngày còn là sự biểu hiện linh hoạt điểm nhìn của các nhân vật khác nhau. Bởi hình thức của 6 ngày dẫu vừa mang chất nhật ký hàng ngày của Bản, vừa mang chất chương hồi trong những lớp truyện kể từng đêm thì tác phẩm này còn được cấu thành từ những cuộc đối thoại diễn ra liên tiếp, điểm nhìn theo đó cũng liên tục thay đổi, chuyển giao giữa các nhân vật. Khi đấy, bản thân mỗi cá nhân lại trở thành người kể chuyện cho câu chuyện chính cuộc đời họ. Như Bản đã từng lùi về xa, đóng vai trò người nghe để lắng nghe câu chuyện của Thảo, những lời của Nguyệt hay cuộc đời chìm nổi của người cha cô bé Hiền.
Và đan xen giữa điểm nhìn người kể chuyện, điểm nhìn nhân vật là điểm nhìn độc giả như xuất hiện sau những câu hỏi tu từ vọng từ miền hư vô của nhà văn Tô Hải Vân. Với tiểu thuyết 6 ngày, độc giả vừa đóng vai trò người đọc, song cũng vừa đóng vai trò người theo dõi, đồng sáng tạo với chính tác giả trong chặng đường đi tìm bản ngã giữa cuộc đời muôn sắc.
(Tiểu thuyết 6 ngày và những tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Nhà văn năm nào)
Kết cấu phân mảnh trong không, thời gian đa chiều, chồng chéo của tiểu thuyết 6 ngày.
Có thể nói, tổng thể tiểu thuyết 6 ngày có một cốt truyện khá đơn giản và kết cấu cốt truyện của tác giả Tô Hải Vân cũng hết sức giản đơn. Thoạt nhìn, đó như những dòng nhật ký ghi chép lại câu chuyện thường nhật từ trong nhà tới nơi làm việc lẫn các mối quan hệ với hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp trong 6 ngày khi chuyển tới ngôi nhà mới của một người đàn ông độc thân mới bị vợ bỏ. Đan xen là những mẩu chuyện của chuyên mục “Đọc truyện đêm khuya” từ chiếc radio cũ mà tối nào đi ngủ, người đàn ông ấy cũng vẳng nghe.
Nhưng chính tại sự đơn giản, tưởng chừng như một cuốn tiểu thuyết chương hồi, hết hồi này tới hồi khác, hết chương này tới chương kia lại ẩn chứa một kết cấu khá phức tạp. Ở đó có sự phân mảnh tới cực hạn thời gian trong một ngày, của các cuộc đối thoại riêng tư giữa các nhân vật và cũng là cuộc đối thoại riêng tư giữa các phân thân nơi tâm tưởng chủ thể tự sự. Tất cả làm lên những dòng tự sự ngỡ rằng tách biệt mà đan xen, liên kết logic với nhau đồng thời tạo ra sự mờ hóa của cốt truyện, sự vô định của chủ đề ở tiểu thuyết 6 ngày. Và đây cũng là ảnh hưởng từ chủ nghĩa cực hạn của văn chương hậu hiện đại tới tiểu thuyết 6 ngày của Tô Hải Vân.
Trong 6 ngày tôi – Bản chuyển nhà luôn xảy ra những đứt gãy giữa các sự kiện đan xen tỉnh – mơ, quá khứ – hiện tại, thực tại – hư ảo mà một người làm khoa học như Bản càng cố tìm để hiểu lại càng chìm sâu vào mơ hồ, mờ ảo không lối thoát. Sự kiện Bản gặp bà bán bún ốc là thực hay mơ khi con ngõ nhỏ không có bà bán bún ốc nào hết song cảm giác no cùng hương thơm của bún với anh lại là thật. Những người thân tới thăm Bản: bố anh và bé Giang ngỡ bước ra từ giấc mộng song các vết chì mờ mờ trẻ con vạch trên bản vẽ lẫn bản thảo bài báo của Bản lại chứng minh sự thật bé Giang đã tới nhà anh. Trong xóm không còn ai nghe radio nữa mà tiếng radio văng vẳng, chìm sâu cùng giấc ngủ chập chờn của Bản cũng là hiện thực hàng đêm anh trải qua…
Nhưng đến cuối cùng dẫu là thực hay mơ, là quá khứ hay hiện tại thì hiện trên trang văn 6 ngày vẫn là những bóng người gặp nhau ở nỗi cô đơn, ở những đau thương vụn vỡ của những kẻ dị biệt mang kiếp “ngoại lai”, “thiểu số” trong xã hội. Họ bị xếp ngoài lề và như bị cộng đồng lãng quên, họ hoài nghi những người xung quanh và cũng hoài nghi bản thân. Trọn kiếp đời, họ mãi như mang số phận Người thứ hai, tìm về một cái tôi bản ngã hay gìn giữ cội rễ để không đánh mất chính mình. “Lại ra đứng trước gương. Thằng kia là tôi đây, với vài vết ố trên mặt. Là tôi.” Và khi những số phận đơn độc, bị xếp ngoài lề xã hội tìm đến nhau, họ cũng dễ đồng cảm, thấu hiểu cho nhau hơn. Họ trở thành bạn, trở thành người thương, rộng hơn, trở thành cộng đồng của riêng họ. Cộng đồng đấy có thể khó hòa nhập nhưng tại đó họ được làm chính mình, vậy chẳng phải đó chính là nơi chốn những kiếp đời lang bạt trên hành trình “cái tôi” mãi kiếm tìm sao?
Và kết cấu phân mảnh của hàng loạt các tiểu tự sự đấy trong tiểu thuyết 6 ngày chính được tạo lên từ sự chồng chéo của các mảng không, thời gian đa tuyến, đa chiều. Có thể nói, không gian của tiểu thuyết 6 ngày là một dạng không gian như được co hẹp tới tối đa: căn ngõ nhỏ, ngôi nhà nhỏ cong cong, công ty M&R với chiếc thang máy ngày nào tôi cũng phải đi luôn rung lắc dữ dội, ngay cả không gian cả Hà Nội những năm bao cấp cũng được kể lại từ chiếc radio cũ – một không gian kể phát bị bó hẹp… Gần như các chiều không gian của tác phẩm rất ít được mở rộng. Song những không gian hẹp đó lại luôn xâm lấn, tác động qua lại lẫn nhau để tạo lên một sự tù túng như một nhà ngục giam giữ tâm hồn con người với những mâu thuẫn quẩn quanh mãi chẳng thoát.
Trong không gian tù đọng là một vòng lặp thời gian cũng như một dạng ngục tù giam cầm con người. Ngày nào, cũng với thời gian ấy, người ta sẽ làm cùng công việc đó. Với thủ pháp xảy lặp, thời gian trong văn chương Tô Hải Vân đã trở thành một biểu tượng cho sự xếp đặt có sẵn như một dạng máy móc đã được lập trình. Nhưng bên cạnh dòng thời gian như một vòng lặp vô tận đời sống con người luôn có sự giao hòa của quá khứ – hiện tại, con người ở thực tại vẫn bị chi phối bởi ký ức, kỉ niệm. Và giữa cuộc đời xoay vần, người ta vẫn nghĩ, vẫn hướng đến tương lai, khao khát yêu và được yêu, vẫn luôn nhen nhóm hi vọng sống và sống cho ra sống.
Kết cấu truyện chịu sự phân mảnh của nhiều tầng bậc tự sự, không gian bất định tù túng trong dòng thời gian lặp đi lặp lại tới mức biến dạng đã khắc sâu thêm dấu ấn văn chương hậu hiện đại trong tiểu thuyết 6 ngày của Tô Hải Vân. Tất cả, đã cùng tái hiện thực tại con người đương đại, ở thời hậu hiện đại cô đơn, mang nhiều giằng xé, mâu thuẫn nội tâm, cái tôi cá nhân mong manh trước những đổi thay, biến động nghiệt ngã của thời cuộc.
Đọc thêm: Khởi đầu là mèo (Tô Hải Vân) – “Nở một nụ cười” giữa dòng đời nghiệt ngã
Ngôn ngữ giễu nhại, mảnh vỡ trong tiểu thuyết 6 ngày.
Không phải tới thời hậu hiện đại, giễu nhại mới trở thành một thủ pháp được sử dụng trong văn học. Nhưng với văn chương hậu hiện đại, giễu nhại bên cạnh yếu tố gây cười còn mang tính giải thiêng tác phẩm. Và cũng bởi sử dụng ngôn ngữ giễu nhại dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại mà tiểu thuyết 6 ngày không đơn thuần chỉ là một câu chuyện ma thuần bí ẩn.
Trước hết, tác giả khẳng định, “ma” cũng từng là con người, vì những chấp niệm chưa thể buông bỏ nên vẫn còn ở lại nơi trần thế. “Ma” không nhất thiết phải hung dữ, xấu xí. “Bà ma” trong 6 ngày không chỉ xinh đẹp mà còn “tốt” và hết sức hiểu lý lẽ, thấu tình đạt lý. Và từ hình tượng “ma” đã được giải thiêng qua ngôn ngữ giễu nhại, nhà văn Tô Hải Vân như chứng minh chân lý: Cuộc sóng thực tại của con người đầy phức tạp mà đến “ma” có quyền năng tới đâu cũng không thể điều khiển, thấu hiểu tất cả. Đồng thời hiện thực, có những kẻ sống còn đáng sợ hơn ma. Đây không phải sự báng bổ mà là hành động nhìn sâu vào thực tại để hiểu thấu, lý giải căn nguyên cuộc sống của một nhà văn có xuất phát điểm là một nhà kỹ thuật, một người nghiên cứu khoa học: “ai ngờ cái cơ quan cậu lại lôi thôi lắm chuyện như vậy, đến ma cũng không lường hết được…”
Ngoài ra, trong 6 ngày còn ngập tràn những dòng giễu nhại của nhân vật khi tự nói tới chính bản thân. Đó là sự thức tỉnh của con người khi nhận thức rõ ở bản thể phân thân, trong “tôi” có “cậu” và cuộc đời vốn như một chiếc máy điện tử đã được lập trình, muốn thoát khỏi những câu, lệnh viết sẵn chỉ có làm khác đi, hoặc đập bỏ đi tất cả để làm lại từ đầu. Từ việc con người tự giễu nhại mà người ta đã tự giải thiêng cho chính mình. Trong hoàn cảnh này, giễu nhại không chỉ để cười, cũng không chỉ để châm biếm mà đó còn là phương tiện để tác giả nhìn sâu vào cái tôi bản ngã, vào cả những ẩn ức đau thương của một cá nhân vẫn luôn lạc lối.
Cùng với giễu nhại, mảnh vỡ là một trong những đặc trưng của ngôn ngữ văn chương hậu hiện đại được thể hiện ở sự đứt gãy, vụn vỡ nơi đối thoại, sự bất định ở độc thoại và độc thoại nội tâm.
Nhân vật đối thoại với nhau bằng những câu thoại không có tính liên kết, không có giá trị thông tin cũng không nhằm hướng tới một trọng tâm trò chuyện cụ thể. Và độc giả dễ dàng bắt gặp được những đứt gãy trong đối thoại như vậy ở tiểu thuyết 6 ngày của nhà văn Tô Hải Vân. Nhân vật đối thoại với nhau bằng những câu văn ngắn tới gần như cụt ngủn, không ăn nhập, không cùng đi tới cùng một mục đích trong đối thoại. Như ngay những trang văn đầu tiên đã xuất hiện cuộc hội thoại như vậy giữa nhân vật tôi với bà bán bún ốc:
“ – Gì cơ ạ?
– Chẳng có gì cả.
– Rõ ràng bà vừa nói gì?
– Tôi chẳng nói gì cả.”
Nhân vật đối thoại mà như độc thoại và độc thoại lại như đối thoại với chính các phân thân của mình mà phân đoạn tôi soi gương rồi tự nói với bóng hình mình trong gương chính là phân đoạn hết sức điển hình: “Hình như, trong những lúc cô đơn nhất, mất tự tin nhất, những lúc tự nghi vấn mình nhất, lại là những lúc muốn soi gương nhất.” Đối thoại chìm vào độc thoại, độc thoại chìm vào đối thoại của các nhân cách trong tâm tưởng đã tạo lên những dòng nội tâm bất tận nơi cõi mơ, cõi thực của bản thể con người.
Có thể nói, những vụn vỡ về mặt ngôn ngữ lẫn cấu trúc câu phân rã bằng hàng loạt các dấu phẩu hay bị phân tách thành những câu trần thuật ngắn đã thể hiện một tâm thức mang nặng vỡ vụn của chủ thể tự sự. Một kẻ sĩ “tài cao phận thấp chí khí uất” (chữ dùng của Tản Đà), một con người đã trải đủ đau thương vẫn tiếp tục hành trình kiếm tìm bản ngã, một chỗ đứng, một nơi đi về giữa xã hội muôn trùng.
Không phải tới 6 ngày dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện mới xuất hiện ở văn chương Tô Hải Vân và 6 ngày cũng không phải tác phẩm cuối cùng thể hiện dấu ấn này trong sáng tác của ông. Nhưng với sự biểu hiện trên nhiều phương diện từ cách thức thể hiện cuộc sống, con người đến sự đa dạng điểm nhìn tự sự, từ kết cấu phân mảnh trong không, thời gian chồng chéo bất định tới hệ thống ngôn ngữ, cấu trúc câu mảnh vỡ, giễu nhại, có thể nói chăng 6 ngày là một tiểu thuyết dày dặn thể hiện độ chín muồi của văn chương Tô Hải Vân. Đồng thời, với 6 ngày nhà văn họ Tô đã góp thêm một nhánh trong dòng chảy chung của sự phát triển văn học Việt Nam đương đại.
Mọt Mọt