Diễn ngôn về người phụ nữ trong tập truyện ngắn Cỏ mã linh của nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương


Hai mươi truyện ngắn trong Cỏ mã linh nói về các kiếp người khác nhau, nhắc đến những đề tài khác nhau song có thể khu biệt vào những vấn đề lớn: tình yêu, hôn nhân – cuộc sống gia đình và các bi kịch đời sống. Ở đấy, người đọc như thấy những vấn đề nhỏ nhặt nhất hay đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội đều được tác giả thể hiện bằng cái nhìn đa chiều sâu sắc từ một tâm hồn nữ đầy đa cảm.

Cỏ mã linh review

  1. Đề tài và chủ đề về người phụ nữ trong tập truyện ngắn Cỏ mã linh.

 “Văn học là nhân học”, là sự tái hiện hiện thực khách quan qua lăng kính chủ quan của tác giả, điều đó làm nên nét độc đáo cho mỗi sáng tác văn chương, chất riêng người cầm bút. Vì thế, tác phẩm của những nhà văn nữ, bên cạnh khắc họa hiện thực chung của xã hội còn luôn ẩn chứa tiếng nói cá nhân của tác giả về con người, cuộc đời. Nhất là trong văn học hiện đại, vấn đề căn tính giới, quyền của người phụ nữ ngày càng được quan tâm thì diễn ngôn về người phụ nữ, nữ quyền lại càng được thể hiện mạnh mẽ.

Sinh ra, lớn lên và dành trọn quãng thời gian đã qua gắn với những mảnh đời xứ Bắc; các sáng tác của nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương ngoài thể hiện tiếng nói chung của người phụ nữ hiện đại, còn mang nét riêng in đậm dấu ấn vùng miền. Tiếng nói đó đã làm nên một Cỏ mã linh vừa hòa mình vào dòng chảy chung sáng tác của các nhà văn nữ đương đại, vừa giữ được nét độc đáo từ việc tác giả khai thác đề tài, chủ đề đến cách xây dựng nhân vật và ngôn ngữ, giọng điệu.

Từ xa xưa, tình yêu đã là một đề tài quen thuộc trên trang viết của các nhà văn, nhà thơ. Nhưng có giai đoạn, tình yêu đôi lứa, tình yêu cá nhân phải hòa mình vào tình cảm lớn của dân tộc. Để rồi đến những năm tháng của văn học thời kỳ đổi mới nói chung, văn học trong những thập kỷ đầu thế kỷ XXI nói riêng, tình yêu được trở về với đúng ý nghĩa tự thân. Và nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương qua những truyện ngắn của mình, đã cất lên tiếng nói cho tình yêu cá nhân của người phụ nữ.

Đó là tình yêu đôi lứa làm điểm tựa để hai người yêu nhau cùng vượt qua cơ cực cuộc đời như Nhung và Kiên trong Mùa hoa nở. Đó là tình yêu đi liền với sự hy sinh tự thân của người phụ nữ, hơn cả là sự tin tưởng vào người mình yêu, tin tưởng vào tương lai như nhân vật tôi đã dành cho Xanh ở tác phẩm Thềm cỏ dại. Hay thứ tình yêu mang màu sắc đầy cổ tích về Châu Nương qua giọng kể của người mế già theo Tiếng sáo đêm cuối năm

Cùng tình yêu, hôn nhân, gia đình là mảng để tài lớn ở Cỏ mã linh. Và với mảng đề tài này, tác giả tiếp cận vấn đề trên nhiều khía cạnh khác nhau để nhận thấy những mâu thuẫn, mặt trái trong xã hội lẫn cuộc sống hôn nhân, gia đình. Từ đó, diễn ngôn của chị vừa là tiếng nói đồng cảm, thương cảm; vừa là sự phê phán, lên tiếng đòi quyền bình đẳng, quyền “được hạnh phúc” cho người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Như mâu thuẫn trong gia đình giữa người chồng vô tâm và người vợ nhẫn nhịn hy sinh ở truyện ngắn Ngày mai. Hay lo toan của người đàn bà giữa bộn bề cuộc sống: lo cho chồng, lo cho con rồi đau đáu nhìn chúng khôn lớn như truyện ngắn Giấc trưa thể hiện. Hoặc sự day dứt trong câu chuyện Xem bói về người phụ nữ quay cuồng giữa mâu thuẫn gia đình, thậm chí là mâu thuẫn với chính bản thân về tương lai, về sự xấu xí quá lứa lỡ thì của mình…

Bên cạnh vấn đề tình yêu, hôn nhân, gia đình; tác giả cuốn sách Cỏ mã linh còn xoáy sâu vào bi kịch của đời sống con người nói chung, người phụ nữ nói riêng như sự mai một vẻ đẹp tình nghĩa khi con người ngày càng trở nên giàu có; ô nhiễm môi trường; sự vô cảm tồn tại ngay bên cộng đồng làng xã… được tái hiện trong truyện ngắn Một giấc trưa hay Xem bói. Và ở chính bi kịch đời sống đó, người phụ nữ hiện lên như một trong những nạn nhân trực tiếp. Để từ đó, tác giả Nguyễn Thị Mai Phương đã gióng lên hồi chuông, nói lên tiếng nói cảnh tỉnh trước những xói mòn đạo đức, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người.

Ngoài các mảng đề tài lớn nêu trên, chiến tranh cùng cuộc sống thời hậu chiến cũng có một vị trí ở tập truyện Cỏ mã linh. Tuy nhiên, chiến tranh đã được hòa quyện vào trong những câu chuyện đời thường. Như Cỏ mã linh là câu chuyện tình yêu xuyên suốt từ thời chiến tranh đến thời hậu chiến. Còn Những cơn bão lại là chuyện về một người lính đã đi qua cuộc chiến song nỗi đau quá khứ vẫn đeo bám ông đến thực tại, hiện hữu ngay trong cuộc sống gia đình qua hình hài các đứa con của ông. Câu chuyện thời hậu chiến, qua cách kể của tác giả không sa vào tái hiện lịch sử, trách cứ quá khứ mà lấp lánh niềm tin về hiện tại lẫn tương lai.

Hôn nhân, gia đình hiện lên trên trang văn Nguyễn Thị Mai Phương, qua giọng kể, diễn ngôn của một người phụ nữ đa cảm, khoắc khoải về con người nói chung, về người phụ nữ nói riêng không phải một loại hiện thực tạo ra để chiều lòng những độc giả mong muốn kiếm tìm thứ gì đó dễ dãi, đọc để giải trí rồi lãng quên. Hiện thực đấy đa dạng, nhiều chiều kích; có niềm vui, hạnh phúc nhưng hơn cả là hạnh phúc ấy được kết tinh từ những bi kịch, sự đau đớn đầy ám ảnh: Vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc sống hiện đại dường như đang cuốn đi và làm mai một những giá trị truyền thống, tươi đẹp, trong trẻo. Trước thực tại tưởng chừng đầy đau xót đó, chính tình yêu, tình người như một chiếc mỏ neo neo đậu hy vọng của con người về đồng loại, về tương lai. “Như bà Khế giữ gìn tình yêu, mong chờ loài cỏ tượng trưng cho tình yêu bất tử cỏ mã linh vậy.” (Lời của nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương)

Co ma linh reviewsach

2. Hình tượng nhân vật người phụ nữ trong tập truyện ngắn Cỏ mã linh.

Bên cạnh đề tài, chủ đề, diễn ngôn về người phụ nữ, về quyền của họ ở tập truyện Cỏ mã linh còn thể hiện trong cách tác giả xây dựng nhân vật phụ nữ và cả những người xung quanh họ, nhất là người đàn ông.

Nếu như văn học các thế kỷ trước coi mẫu hình người đàn ông là mẫu hình lý tưởng để phụ nữ khao khát hướng về thì văn học hiện đại nói chung, Cỏ mã linh của Nguyễn Thị Mai Phương, đấng nam nhi không còn nắm vai trò như vậy nữa. Giờ đây, trong mối tương quan giữa người nam, người nữ thì quan hệ giữa họ bình đẳng kể cả là tình yêu hay cuộc sống hôn nhân, gia đình. Và giờ đây, người phụ nữ có thể tự chủ từ suy nghĩ cho đến việc họ tự tay tạo dựng lên cuộc đời mình.

Chẳng hạn mối quan hệ giữa Nhung và Kiên ở Mùa hoa nở: không chỉ là sự bình đẳng mà còn là cách hai người tôn trọng đời sống riêng tư của nhau. Hay sự hòa hợp giữa vợ chồng Uyên ở truyện ngắn Lửa cố hương mà nếu không được xây dựng trên cơ sở tình yêu cùng sự thấu hiểu, chồng Uyên đã chẳng thể nhìn thấu trái tim vợ hướng về mảnh đất chôn rau cắt rốn.

Người phụ nữ có thể cam chịu, có thể hy sinh cho người đàn ông của đời mình. Nhưng đổi lại, bậc trượng phu cũng cần dành sự tôn trọng nhất định với họ. Nhằm diễn tả tầm quan trọng của vấn đề này, tác giả Nguyễn Thị Mai Phương đã không ngần ngại đưa lên trang văn những hình ảnh có phần xấu xí của đấng mày râu: sự gia trưởng, chuyên quyền như lời phê phán, cũng là sự cảnh tỉnh. Thật vậy, nhìn cuộc sống nhân vật anh trong Ngày mai đảo lộn khi thiếu bóng vợ, nhìn hình ảnh gần như hóa dại của lão Lục trong Nắng chiều day dứt; độc giả không thể không tự nhìn lại bản thân để tự vấn lương tâm, cõi lòng. Tác giả Nguyễn Thị Mai Phương đã lên tiếng nói vì nữ quyền, bênh vực cho người phụ nữ bị trói buộc trong gia đình như vậy đấy.

Cá biệt, không ít người đàn ông chỉ đóng vai trò kẻ qua đường hay một nơi trú ngụ tạm thời cho tâm hồn vụn vỡ của những người phụ nữ sa cơ lỡ bước. Như các đối tượng đã đi qua cuộc đời cô Cúc – một phụ nữ phong trần trong truyện ngắn Chim trời lạc lối (Lạc lối), kể cả lão Thành của hiện tại, với cô gái đó cũng chẳng thể là bến đỗ của cả một kiếp người.

Xuyên suốt tập truyện Cỏ mã linh, hình ảnh người phụ nữ là nhân vật trung tâm được trở đi trở lại. Những con người ấy, qua ngọn bút tác giả vừa mang nét truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, vừa mang nét hiện đại của thời kỳ mới.

Nét truyền thống đấy thể hiện rõ nhất ở từng lời nói, hành động đầy ắp sự cam chịu, đức hy sinh cùng một trái tim hết lòng vì những người mình yêu thương. Với người phụ nữ, họ không coi đó là thiệt thòi mà coi ấy là trách nhiệm, cũng là niềm vui. Cả một đời bà Khế đợi chờ người yêu trong hạnh phúc cùng niềm hi vọng khắc khoải. Và chính niềm tin đã níu giữ bà với cuộc sống hiện thực chứ đâu phải gàn dở như người đời thường nói. Trọn kiếp người, chị Diêu cũng chẳng thể bỏ rơi cái Nâu, đứa con gái khờ khạo của mình dẫu gia đình đã tan đàn xẻ nghé; bởi đến cuối cùng, đó cũng là cốt nhục, giọt máu chị dứt ruột đẻ ra.

Người phụ nữ Việt Nam vốn vậy, hy sinh, cam chịu nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng không để mất đi phẩm giá của mình. Tiếng nói của họ, thực sự là tiếng nói của những con người thà “chết trong còn hơn sống đục”. Những con người đấy có thể yếu đuối về thể xác song thật sự mạnh mẽ về mặt tinh thần. Như cô gái tên Biển trong truyện ngắn Gió đồng, sống đời cơ cực cũng sẵn sàng ném thẳng cục tiền dơ bẩn vào mặt gã đàn ông muốn mượn tiền mua lấy thân xác cô. Hay sự sực tỉnh cuối đời của Cúc, chính là sự giác ngộ chân lý: Phụ nữ hãy tự thương yêu và mạnh mẽ sống, xây dựng lên hạnh phúc cho riêng bản thân mình.

Dù đã sang những thập kỷ đầu thế kỷ XXI song cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn với người phụ nữ. Miêu tả các kiếp người đó trên trang văn, để cho nhân vật tự cất lên tiếng nói về thân phận của họ giữa dòng đời; tác giả đã thể hiện một trái tim yêu thương lẫn cảm phục. Đồng thời là tiếng lòng, tiếng nói đầy sự thấu hiểu với những thân phận bé mọn như hạt cát giữa cuộc đời đang ngày đêm vùng vẫy, vật lộn trước sóng gió để mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc.

Song song với mẫu hình người phụ nữ truyền thống là hình mẫu người phụ nữ hiện đại. Họ có hy sinh, có cam chịu nhưng họ cũng ý thức được bản thân và sẵn sàng nói lên tiếng nói cá nhân giữa bất công họ phải gánh chịu. Chẳng hạn người phụ nữ trong tác phẩm Ngày mai đã chu toàn cuộc sống cho những đứa con để có một khoảng thời gian dành riêng cho mình. Hay cô Diêu cam chịu như thế cũng có lúc cất lời: “Kệ nhà họ, tôi mệt lắm, cho nó ướt đi, tôi không chạy nữa.” (Nắng chiều day dứt, tr154). Thật vậy, giữa cuộc sống hiện đại ngày càng phức tạp, người phụ nữ không thể mãi vun vén cho chồng, cho con một cách quên mình, vô điều kiện mà phải tự đứng lên nắm giữ lấy vận mệnh, hạnh phúc.

Mặc dù lên tiếng ngợi ca, tác giả của Cỏ mã linh đồng thời cũng cất tiếng nói nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, chua cay với một vài nét cá tính như điểm yếu lâu đời của người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt là sự nhẹ dạ trước cạm bẫy dày đặc của cuộc sống ngày một phức tạp. Cô gái tên Cúc ba chìm bảy nổi như vậy mới có thể thức tỉnh giấc mộng về chốn đô thị xa hoa. Người con gái trong Xem bói vì cả tin mà bị chính người bạn thân nhất bán đứng. Và còn bao cô gái khác bởi quá đỗi thuần khiết mà trở thành nạn nhân trong trò chơi tình ái của những gã sở khanh. Khắc họa lên số phận đau thương của các cô gái đó, nhà văn không nhằm mục đích phê phán hay tỏ ra thương hại trước cảnh họ sa cơ lỡ bước. Mà hơn hết, tác giả bày tỏ niềm thương cảm trước nỗi đau của nhân vật. Niềm cảm thương ấy cũng là sự trăn trở của tác giả về cuộc sống người phụ nữ thiệt đơn thiệt kép về mọi mặt.

Như vậy, với hệ thống nhân vật, diễn ngôn của bản thân tác giả Cỏ mã linh về người phụ nữ vừa có sự đa dạng, vừa có sự nhất quán. Bởi đến cuối cùng, tiếng nói mạnh mẽ mà chị cất lên vẫn là tiếng nói yêu thương, bênh vực, đòi quyền lợi cho người phụ nữ trong xã hội hiện đại vẫn còn nhiều bất công, mâu thuẫn như bóp nghẹt những kiếp đời nhỏ bé.

Cỏ mã linh nxb Phụ Nữ

3. Diễn ngôn về người phụ nữ thể hiện qua giọng điệu của tác giả Nguyễn Thị Mai Phương.

Là một nhà văn nữ viết về người phụ nữ, thể hiện diễn ngôn về nữ quyền qua mọi khía cạnh ở hai mươi truyện ngắn trong tập Cỏ mã linh, tác giả Nguyễn Thị Mai Phương đã có một giọng văn hết sức phù hợp: đầy nữ tính và giàu chất thơ khi miêu tả cái đẹp song cũng đầy sắc sảo khi phê phán cái xấu xa.

Văn của tác giả Nguyễn Thị Mai Phương giàu chất thơ. Chất thơ tạo nên những câu văn miêu tả thiên nhiên đẹp tới nao lòng: “Cuối thu. Mùi hoa bạch đàn phả khắp thung lũng. Ngồi trên đồi cao nhìn xuống, một thảm hoa trắng ngà xôm xốp khổng lồ trải dài bao bọc lấy ngôi làng. Nhị hoa vương trong gió, nhũ hoa hình nón rơi trắng mặt đất. Nhà cửa chìm trong bóng cây.” (Mùa hoa nở, tr123). Chất thơ tạo nên những câu chuyện thấm đẫm màu sắc huyền ảo: “Chàng vừa nói dứt lời thì nàng cười rất hiền “Anh buồn gì đúng không? Em tặng anh chiếc lá mùa thu nhé. Mỗi lúc anh ngắm nó anh sẽ thấy đủ màu sắc rực rỡ”. “Vậy ư?”. Chàng mơ màng thiếp đi khi đôi môi se lạnh của nàng thơm lên tóc” (Bóng nước xa xăm, tr45). Và chất thơ còn góp phần làm cho những câu văn viết về vấn đề tình dục không trở nên thô tục mà thực sự là vẻ đẹp của sự kết tinh tình yêu: “Căn phòng nhỏ đã bồng bềnh trong điệp khúc của những kẻ yêu nhau. Tôi đã chìm đắm và để anh vào thật sâu trong mình. Thấy rõ ràng mình và anh tan chảy như đám sương trên vách núi, ào ạt, mê man, cuồng si.” (Thềm cỏ dại, tr186). Để có được chất thơ thấm đẫm trong từng câu văn, đó phải là tâm hồn một văn sĩ tỉ mỉ trong quan sát và cẩn trọng trong con chữ đến dường nào. Nếu không có vốn sống, cái nhìn tinh tế khi quan sát thiên nhiên, con người lẫn tài sử dụng ngôn từ thì truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương đã chẳng đẹp một cách ngọt ngào đến vậy.

Câu văn của tác giả Nguyễn Thị Mai Phương có thể đẹp đến nao lòng như thế nhưng khi đã nhắc tới đau thương thì đấy lại là sự đau thương quặn thắt: “Chú kể, tưởng anh Trọng không về nổi, ngoài đó gió to quá, trời tối như bưng, anh cứ ngồi như đá mãi. Chắc chú Út còn nhớ mãi lúc anh trai mình vùi con bé xuống và nấc lên từng tiếng một. Nỗi đau ấy còn hơn trăm ngàn mảnh đạn găm vào da thịt” (Những cơn bão, tr204). Song sự đau thương đó là cần thiết để hoàn thiện chất hiện thực mà người phụ nữ vẫn đang vẫy vùng giữa muôn vàn mâu thuẫn, mối quan hệ nhỏ nhặt của cuộc sống gia đình, xã hội.

Hai mươi truyện ngắn trong tuyển tập Cỏ mã linh đã phản chiếu một cách đa chiều hình ảnh người phụ nữ với những lo toan không dứt trong cuộc sống mưu sinh bộn bề cùng những tâm tư khao khát của họ trước cuộc đời. Qua đó, ta thêm đồng cảm với cách nhìn, cách cảm, diễn ngôn, tiếng nói về người phụ nữ được thể hiện qua những câu chuyện vừa đẹp say đắm, vừa đớn đau quặn thắt ở mỗi truyện ngắn trong tập truyện Cỏ mã linh của tác giả Nguyễn Thị Mai Phương.

Link mua sách:

  • thuviensach.org: https://shorten.asia/EBmVXzAj
  • Fahasa: https://shorten.asia/mKRGvpaa

Mọt Mọt

Cập nhật lúc 13:40 - 15/01/2025
Sách cùng chủ đề

Bình luận