[Higashino Keigo] Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya – Liều thuốc ngọt ngào cho trái tim nồng ấm


Một cuốn sách được Nhã Nam xuất bản thuộc danh mục sách Kỳ ảo – giả tưởng nhưng lại là hiện thực đời thường rất đẹp & đượm buồn của xã hội Nhật. Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya với văn phong hài hước hỏm hỉnh, chặt chẽ logic sẽ mang đến cho độc giả những tràng cười nhẹ nhàng đi kèm với triết lý sâu xa ẩn chứa đằng sau mỗi câu chuyện kể.

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya - Review sách

Sẽ như thế nào nếu một ngày đẹp trời, bạn bị dồn đến đường cùng của đói khát & tuyệt vọng, bạn quyết định đi ăn trộm của một gia chủ giàu có và trong khi đang đột nhập ngôi nhà hoang thì khổ chủ trở về?! Trong khi người đó chỉ về mỗi tháng có 1 lần, và lần đầu tiên bạn đi ăn trộm thì đúng ngay vào ngày đó. Thật là đen đủi đúng không, và đó chính xác là những gì mà ba anh chàng ăn trộm nghiệp dư được tác giả Higashino miêu tả trong cuốn sách giả tưởng đầy hài hước này phải trải qua.

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya bắt đầu với tình cảnh ba ông trộm đang phải trốn chạy. Lần đầu tiên “hành nghề” họ đã phải ăn trộm, bắt giữ chủ nhà, trộm luôn cái xe của người đó để tẩu thoát trong đêm. Đen đủi thay, cái xe đi được giữa chừng thì hỏng nặng. Hành trình hành xác của các hiệp đạo lại phải bắt đầu không khác gì bốn thầy trò Tây Du kí. Rốt cuộc thì sau tất cả, họ lại phải nghỉ chân ở một ngôi nhà hoang ven đường. Và ngôi nhà đó lại là “tiệm tạp hoá Namiya”, nơi khởi đầu cho một câu chuyện rất buồn cười vốn đã tiếp diễn từ quá khứ cách đó hơn 30 năm.

Một câu chuyện giả tưởng nhưng lại logic kiểu trinh thám kỳ bí

Phải thừa nhận sau thành công của những cuốn sách vang danh như Phía sau nghi can X, Bạch dạ hành hay Bí mật của Naoko thì Higashino đã được độc giả biết đến như một tiểu thuyết trinh thám đầy triển vọng. Tuy nhiên Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya lại là một bước đi mới của tiểu thuyết gia này khi ông vứt bỏ hoàn toàn yếu tố trinh thám để viết nên một câu chuyện giả tưởng thấm đẫm tình người. Nhưng “bệnh nghề nghiệp” đã khiến tác giả vẫn khiến người đọc phải gật gù khen ngợi khi khéo léo lồng ghép các câu chuyện tưởng chừng không liên quan gì tới nhau lại liên kết một cách đầy logic, cho dù thời gian, không gian và mạch truyện hoàn toàn khác hẳn nhau. Chính điều này lại là một yếu tố trinh thám logic rất đặc trưng mà hiếm tác giả nào làm được trong một cuốn văn học thường thức bình thường như thế này.

Và đặc biệt nhất là đọc đến những dòng văn cuối cùng của cuốn sách, bất cứ độc giả khó tính nào rồi cũng sẽ phải bật cười vì độ “lầy” của tác giả. Một tình tiết dường như chẳng liên quan gì từ giữa truyện lại gây ra một “nụ cười và ánh mắt lấp lánh” cho ba anh chàng đạo chích nghiệp dư.

Số nhọ đôi khi lại là điều tuyệt vời

Trở lại với câu chuyện về ba anh chàng số nhọ. Đã mệt mỏi vì chạy trốn, đủ xui xẻo vì vụ trộm đầu tiên chưa đủ, đến lúc tìm ra chỗ để nghỉ ngơi cũng chẳng được yên thân, cuối cùng họ đã phải thức trắng!!! Đen đủi là họ đã tìm thấy nơi trú chân quá đặc biệt.

Nếu đóng cửa, họ nhận ra tiệm tạp hoá hoang vu không người ở này sẽ “ngưng đọng thời gian”. Và rồi một điều kỳ lạ xảy ra, tất cả những bức thư từ quá khứ dồn dập gửi tới chỗ họ xin nhờ tư vấn. Tại sao điều này lại dị thường đến vậy?

Cách đó hơn 30 năm, tiệm tạp hoá Namiya của một ông cụ già “gần đất xa trời” đã chuyên nhận những bức thư tư vấn tất cả những vấn đề của người gửi. Điều buồn cười là ông cụ tư vấn rất nghiêm túc, cho dù ban đầu chỉ là những lời thư trêu chọc. Thậm chí ngay cả một bức thư trắng được gửi tới, cụ cũng mất rất nhiều thời gian ngẫm nghĩ và viết thư trả lời!

Tiệm tạp hoá đã không nhận thư nhờ tư vấn kể từ khi ông cụ qua đời, thế nhưng trong một thời điểm đặc biệt là cái đêm 3 anh đạo chích ghé thăm, tiệm đã hoạt động trở lại. Và rốt cuộc 3 anh chàng ấy bất đắc dĩ phải trở thành tư vấn viên cho những người trong quá khứ. Hàng loạt tình huống hài hước xuất hiện, có thể nói là dở khóc dở cười. Ấy vậy mà nhờ những tình huống ấy, số phận của những người trong quá khứ & cả chính những tư vấn viên nữa, đã thay đổi hoàn toàn.

Ấy vậy nên mới nói, số nhọ đôi khi lại là điều tuyệt vời.

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya

Link mua sách ủng hộ đội ngũ biên tập

  • Link 1 giảm giá 35%

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya – một cuốn sách không hạt sạn

Thật khó để tìm ra một điểm chưa được tuyệt vời của cuốn sách. Đủ hài, đủ nhân văn, đủ logic. Thật khiến người ta phải ngả mũ khâm phục. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách lại bán được hơn 1 triệu bản ở Nhật và hơn 1,6 triệu bản tại Trung Quốc, đồng thời được dựng thành kịch 2 lần (vào các năm 2013 & 2016).

Độc giả yêu thích sự thú vị có thể tìm thấy rất nhiều nụ cười trong từng trang sách.

Độc giả yêu thích logic sẽ hài lòng với cái logic nhân – quả của số mệnh từng nhân vật.

Những người có cái nhìn sâu hơn, lại tìm thấy rất nhiều nét đời thường thấm đượm nỗi buồn của xã hội Nhật qua sự thể hiện của Higashino Keigo.

Một cuốn sách rất đáng đọc cho những mọt sách chân chính.

Xem thêm tác phẩm khác của tác giả Higashino Keigo:

  • Phía sau nghi can X: Hồi hộp bất ngờ đến phút cuối
  • Phương trình hạ chí – Một bước sa chân, người thân lãnh đủ
  • Ảo dạ – Ảo ảnh đêm đen
  • Trước khi nhắm mắt : còn lại gì sau một vụ tai nạn giao thông?

Thêm một review khác về cuốn sách này, rất thích hợp cho bạn đọc thưởng thức vào dịp đầu năm mới

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya – Những lá thư đến từ quá khứ, nối kết tới hiện tại và gửi trao về tương lai

Với tác phẩm đầu tay Hokage – Giờ tan học được viết vào năm 1985 và ngay lập tức giành được giải thưởng Edogawa Ranpo lần thứ 31, Higashino Keigo nhanh chóng nổi danh trên văn đàn nói chung, trong giới viết truyện trinh thám nói riêng. Hơn 30 năm lao động sáng tạo con chữ, Keigo-sensei viết nhiều, viết khỏe, sáng tác của ông trải rộng trên nhiều thể loại, đề tài khác nhau, không đơn thuần gói gọn trong thể tài trinh thám. Nhưng dẫu viết về vấn đề gì, tác phẩm của Higashino Keigo vẫn chở nặng nỗi khắc khoải nhân tình, thế thái. 

Namiya zakkaten no kiseki – Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya là một câu chuyện như thế: cách rất xa thể loại trinh thám, gần gũi với thể loại tâm lý, xã hội, được xây dựng lên bằng bút pháp huyền ảo đan xen với hiện thực. Để rồi gấp trang sách lại, là sự day dứt khôn nguôi trong lòng độc giả về hai tiếng con người, về những câu hỏi mãi là trăn trở của cuộc đời: Ta là ai, ta sinh ra để làm gì, ta tồn tại trên đời vì mục đích gì và với những người xung quanh, ta có ý nghĩa với họ?

Những lá thư nối kết quá khứ – hiện tại – tương lai.

Đầu tiên, cần phải nói rằng, không phải tới Điều kỳ diệu từ tiệm tạp hóa Namiya, Higashino Keigo mới sử dụng yếu tố kỳ ảo như một phương pháp trong sáng tác của mình. Trước đó, đã có Bí mật của Naoko hay Trước khi nhắm mắt cũng được Keigo-sensei viết theo phương pháp này. Nhưng khác hoàn toàn với hai tác phẩm kia, Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya tập hợp câu chuyện của những kiếp người khác nhau nhưng lại đầy duyên nợ, mối lương duyên kéo dài từ quá khứ, đến hiện tại và còn tiếp nối tới tương lai. 

Bằng hình thức truyện lồng truyện, câu chuyện này là tiền đề để mở ra câu chuyện kia, số phận người này lại gắn kết với số phận của người khác, Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya mang cấu trúc đan xen giữa những sự kiện xáo trộn trong dòng thời gian tại nơi cửa tiệm tạp hóa bỏ hoang đã lâu: 

Ba tên trộm vặt: Atsuya, ShotaKouhei đến trốn tại tiệm tạp hóa Namiya là thì hiện tại; việc vô tình vướng vào dòng thời gian giải đáp thắc mắc của cửa tiệm và bất đắc dĩ tham gia trao đổi thư từ cũng là thì hiện tại; nhưng những lá thư gửi tới cho ba người, lại được gửi từ quá khứ, khúc mắc là trong quá khứ và lời tư vấn của Atsuya, Shota, Kouhei có tác động cũng là tác động tới những con người sống ở thời quá vãng.

Việc người chủ tiệm tạp hóa Namiya: Namiya Yuji gỡ rối tơ lòng là chuyện của hơn 30 năm trước. Nhưng các lá thư gửi lại cửa tiệm đến từ những con người đã từng nhận được lời khuyên của ông lại là câu chuyện tới từ hơn 30 năm sau.

Cách kết cấu truyện trong truyện, lớp lang, móc xích: 5 chương truyện là năm câu chuyện về số phận của nhiều số phận khác nhau; nếu không có sự cao tay của người viết, cốt truyện rất dễ rời rạc, thậm chí là bị xé vụn. Tuy nhiên, Higashino Keigo lần nữa lại chứng minh cái khéo trong cách dẫn truyện, ở sự tài tình khi đã làm cho các sự việc tưởng chừng chẳng liên quan trở nên gắn kết, gắn kết, logic lạ, qua những hình ảnh trở đi trở lại: tiệm tạp hóa Namiya và trại trẻ mồ côi Marumitsu. 

Để rồi, khi lớp vỏ bí ẩn dần gỡ xuống, bao điều ngỡ rằng ngẫu nhiên, thực chất lại là mối lương duyên do tạo hóa an bài: tình yêu dở dang của hai con người, đã trở thành tình thương gửi tới những thế hệ về sau. Từ đó, mỗi cá nhân lại nhận ra, không có sự tồn tại nào là vô nghĩa, không có lời nói nào từ người đi trước lại chẳng đáng để tâm. Với một người, dũng cảm tiến lên theo con đường bản thân đã chọn là điều cần thiết; song mỗi khi yếu lòng, mất phương hướng thì một trái tim biết lắng nghe, một lời khuyên chân thành từ tâm hồn đồng cảm lại trở thành liều thuốc phần nào giúp họ xoa dịu nỗi đau hay tiếp thêm động lực cho họ tiến về phía trước, vững bước trên con đường đã chọn.

Vốn cuộc đời là muôn vàn những ngẫu nhiên nối tiếp nhau. Nhưng chẳng ai có thể thoát khỏi mối dây vận mệnh nối liền: quá khứ – hiện tại – tương lai. Và cửa tiệm tạp hóa Namiya, một cửa tiệm cũ đã hoang phế, xuất hiện ở đây, như một hình ảnh đầy tính tượng trưng cho một trạm trung chuyển của trái tim, tâm hồn, tình yêu, khát vọng con người. Đồng thời, mỗi cánh thư được trao gửi, lại như chở nặng tâm tư, nguyện vọng, cũng là kí ức mà mỗi cá nhân chôn sâu, gìn giữ. 

Cửa tiệm tạp hóa Namiya, những cánh thư gửi trao trên dòng thời gian xáo trộn, đều là sự hư cấu của tác giả Higashino Keigo. Nhưng mỗi con người, vẫn có thể tìm thấy một cửa tiệm tạp hóa Namiya cho riêng mình. Chỉ cần bên ta có một trái tim biết lắng nghe và bản thân ta, luôn mở rộng tâm hồn, trải lòng mình đón nhận mỗi tiếng reo, mỗi cung bậc, mỗi thăng trầm của cuộc sống.

Những kiếp người gắn với nhau bởi một chữ “duyên”, bên nhau bởi một chữ “tình”.

Như đã nói, Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya là một câu chuyện lớn, được tạo lên từ nhiều mảng truyện nhỏ. Các mảng truyện nhỏ được cấu thành bởi số phận của những cá nhân, ngỡ rằng chỉ là bèo nước gặp nhau, mà rồi lại gắn kết với nhau bởi một chữ duyên, một chữ tình nặng trĩu. Vì duyên mà gặp, vì tình nghĩa mà gắn bó trong thời khắc thiêng liêng tại một cửa tiệm bỏ hoang như đã bị vòng xoáy thời gian lãng quên.

Thật vậy, nếu đơn thuần chỉ là vì chữ duyên, thì nhóm ba tên trộm vặt: Atsuya, Shota, Kouhei hoàn toàn có thể bỏ mặc những lá thư được chuyển đến cửa tiệm, bình yên chờ bình minh tới rồi tẩu thoát. Nếu đơn thuần chỉ là vì chữ duyên, ông bác Namiya đã chẳng nghiêm túc trả lời từng lá thư gỡ rối tơ lòng trong suốt bao năm; thậm chí đến giây phút chuẩn bị từ giã cõi đời, ông vẫn canh cánh về số phận mỗi con người đã từng được ông cho lời khuyên khi trước. Và nếu đơn thuần chỉ vì chữ duyên, mỗi người trao đi, nhận về những bức thư từ một người xa lạ, đã chẳng coi đó như một động lực để họ sống, để họ vươn lên, để họ khắc ghi trong tim đến gần nửa một cuộc đời. 

Chữ duyên phải đi với chữ tình, duyên mang con người đến gần nhau, tình làm người ta đủ cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia, tin tưởng. Và khi niềm tin trong con người được củng cố, con đường họ đi được soi sáng từ tấm lòng kiên nhẫn, giàu vị tha thì tương lai cũng sẽ mở rộng hơn với những ai trải đủ đắng cay bằng tất cả tin yêu cùng lòng can đảm: “Tuy rất cảm kích nhưng khi đọc thư, bố nhận ra, câu trả lời của bố có tác dụng là bởi ý chí của bản thân người đó chứ không phải vì thứ gì khác. Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi […] Biết được như vậy chẳng phải cũng tốt sao? Vì việc bố làm đã không sai.

Từng chương truyện qua đi, Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya lại xuất hiện thêm một nhân vật mới. Không kể đến xuất thân sâu xa có nhiều duyên nợ, mỗi nhân vật ấy lại có quá khứ, ước mơ, những mâu thuẫn, giằng xé nội tâm khác nhau. Nhưng từng người lại cùng gặp nhau ở một tâm hồn mang nhiều vụn vỡ, một trái tim đang loạn lên những nhịp đập bởi sự mất phương hướng về tương lai khi lần đầu họ tìm đến tiệm tạp hóa Namiya.  

Cái tài, cái khéo của Keigo-sensei, vì vậy, đâu chỉ thể hiện ở lối dựng truyện xuất sắc, mà còn thể hiện ở việc tác giả đã đi được đến tận đáy sâu nội tâm, tâm lý nhân vật để khắc họa lên những kiếp người bé mọn trong xã hội Nhật Bản vào thời khắc chuyển giao thế hệ. 

Ba tên trộm vặt hiện đang thất nghiệp, tuổi đời còn trẻ mà đã sớm mang đau thương. Một nữ vận động viên băn khoăn khi phải đứng giữa lựa chọn: tình yêu hay sự nghiệp. Một người nghệ sĩ vẫn miệt mài trên con đường khẳng định danh tiếng. Một đứa trẻ đã vứt bỏ căn cước để quên đi vụn vỡ trong tình cảm gia đình với khao khát làm lại cuộc đời. Một ông lão già từng đổ vỡ trong tình yêu, đến những năm cuối đời bỗng mở tiệm tạp hóa mục đích gỡ rối tơ lòng. Những đứa trẻ xuất thân từ trại trẻ mồ côi Marumitsu: có đứa đã mất cả gia đình, có đứa chẳng còn biết gia đình là ai, có đứa có gia đình đấy mà chẳng thể quay về… 

Từng kiếp người bé mọn, đang sống để khẳng định cái tôi, khẳng định giá trị tồn tại của bản thân với những người xung quanh và với cuộc đời, dẫu rằng có thể phải đánh đổi bằng cả tính mạng, dẫu rằng cũng có những vấp ngã, sai lầm khiến người ai mãi ân hận về sau. Tuy nhiên, không ai là kẻ bỏ đi, mỗi người xuất hiện trên cuộc đời này đều mang một ý nghĩa tồn tại, chỉ là người đó tìm ra lẽ sống của bản thân hay chưa. Như lá thư còn trắng, câu chữ vẫn còn bỏ ngỏ, bản thân mỗi người, đều có thể tự do viết lên con chữ của mình. Bởi “mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận”.

Con người sinh ra, đều đã mang mối duyên nợ, trước hết là với chính sinh mệnh của mình. Thời gian trôi đi, những mối quan hệ xã hội nảy sinh, làm sợi dây liên kết ngày một kéo dài, trói buộc người này với người kia vào hai tiếng trách nhiệm, vào hai chữ tình thương. Để đến mãi về sau, người ta vẫn kiếm tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn cuộc đời: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta tồn tại vì mục đích gì? Mà chẳng biết rằng, con người được sống với hai tiếng con người viết hoa, khi trao gửi những giá trị yêu thương đến người khác. Vì “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Thơ Tố Hữu) và cũng bởi “Sống đến bây giờ, tối nay là lần đầu tiên tao cảm thấy có ích cho người khác. Ý là một người như tao, một thằng ngốc như tao ấy.”

Việc sử dụng yếu tố kỳ ảo không phải điểm mới lạ mà đến Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya Higashino Keigo mới thể hiện. Phương thức trao đổi những lá thư cũng không phải là hình thức mới lạ trong văn chương. Nhưng dưới ngòi bút Higashino Keigo, hai yếu tố đấy đã hòa quyện để làm nên tác phẩm dù vẫn còn đó những khoảng khắc đầy đau thương, nghiệt ngã khiến lòng người day dứt song lại là một trong những cuốn sách đặc sắc, trọn vẹn, ấm áp và ngọt ngào nhất ở sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông. 

Link mua sách:

  • Lazada: https://shorten.asia/rsAKVvAw
  • thuviensach.org: https://shorten.asia/7eUFdN59
  • Shopee: https://shorten.asia/EUdbKtU1
  • Fahasa: https://shorten.asia/SMBNeyZt

Mọt Mọt

Cập nhật lúc 21:52 - 10/10/2022
Sách cùng chủ đề

Bình luận