Ảnh: hanhphan92 Người gõ những dòng này, chỉ mang tâm cầu thị đi tìm cái đẹp của nghệ thuật, nên mạo muội viết vài lời về “Hóa Thân” của đại văn hào thuộc loại hàn lâm khó đọc, khó hiểu – Franz Kafka.
“Hóa Thân” kết thúc trong bầu không gian vui tươi của một gia đình và sự ám ảnh không dứt của người đọc. Một mẩu truyện ngắn mà không ngắn. Bởi sự ám ảnh đó đè nặng trong muôn hình vạn trạng những đớn đau mà Gregor phải chịu đựng. Vì đâu mà cuộc đời Gregor lại xót xa đến thế?
Bi kịch của Gregor Samsa
Bằng cốt truyện hư cấu, Kafka vẽ nên bức tranh bi kịch cuộc đời Gregor dựa trên những nét màu loang hiện thực: Sự xa lạ, sự đánh mất nhân dạng, nghĩa vụ với gia đình, sự chế ngự của đồng tiền.
Thứ nhất , sự xa lạ – một danh từ không mấy phổ biến để diễn tả cuộc đời một con người, nhưng lại là một điểm sáng ý vị trong “Hóa Thân”.
Nguyên văn, Kafka dùng từ “Ungeziefer” để diễn tả hình dạng Gregor khi “hóa thân”. Trong nhóm tiếng Đức Cao Trung, “Ungeziefer” có nghĩa là con vật bẩn thỉu, chưa thanh tẩy, không phù hợp để hiến tế, tương đương với “Vermin” trong tiếng Anh (loài sâu bọ chấy rận ký sinh). “Ungeziefer”, tục được dùng với nghĩa là “bọ” – một từ chung chung, không mang tính học thuật như “côn trùng”.
Trong lá thư gửi nhà xuất bản của mình (25/10/1915), Kafka cũng bày tỏ mối quan ngại về hình bìa cho ấn bản đầu tiên: “Không nên vẽ con côn trùng vào. Thậm chí không được cho ai thấy nó từ xa.” (Theo Wikipedia)
Rõ ràng, Kafka không có ý định cho Gregor là một con gì cụ thể, mà chỉ muốn truyền tải nỗi khiếp sợ của mọi người trước sự biến thân đó, đồng thời ám chỉ sự xa lạ giữa Gregor và môi trường xung quanh: anh khác biệt, nên anh phải bị cách ly, đào thải.
Điểm nhấn là đối diện với sự biến đổi của cơ thể, Gregor hoàn toàn lãnh tĩnh, điều anh lo lắng trong khoảnh khắc kinh hoàng ấy là muộn tàu trễ giờ làm: Anh xa lạ với chính cơ thể “người” của mình, nên chẳng hề hoảng loạn khi bỗng dưng bị hóa thành “con bọ”. Anh xa lạ với chính công việc của mình, với vòng quan hệ cùng đồng nghiệp và lão chủ dị hợm lãng tai, “quỷ bắt cái nghề này đi” , nhưng vì bố mẹ, anh buộc mình phải nhịn nhục. Anh xa lạ với chính gia đình của mình, từng thành viên trong gia đình trước “con bọ” như anh đã thể hiện một mặt hoàn toàn khác biệt.
Từ góc nhìn thứ ba với giọng văn trần thuật lành lạnh, và gần như các cảnh trong truyện chỉ diễn ra trong căn nhà, căn phòng của Samsa, Kafka đã khuếch đại cảm giác xa lạ của Gregor với cuộc sống, với công việc, với gia đình, và với cả chính bản thân anh. “Hoá Thân” đã chỉ ra sự xa lạ, lạc lõng do trật tự xã hội hiện đại mang lại.
Thứ hai , sự đánh mất nhân dạng – theo nghĩa rộng bao hàm cả thể xác và tinh thần.
Câu chuyện là chuỗi ngày tìm kiếm nhân dạng một cách vô vọng của Gregor trong căn phòng chật hẹp tối tăm. Vô vọng – vì ngay từ đầu, anh đã đánh mất nhân dạng khi sống hoàn toàn cho người khác. Anh ép bản thân phải đi làm một công việc mà anh không hề thích. Chỉ vì anh cần công việc đó, anh cần số tiền nó mang lại để trả nợ cho bố mẹ anh, để cả gia đình anh được sống an nhàn sung sướng, để em gái yêu quý của anh được học vĩ cầm trong nhạc viện. Sau khi biến thân, anh trốn dưới gầm ghế trong căn phòng, cố gắng không gây phiền toái cho gia đình. Điều duy nhất Gregor không lo đến là bản thân.
Anh, đã bỏ quên chính mình.
Ước mơ, tự do và tình cảm thân nhân đã bị thứ gọi là nghĩa vụ với gia đình hoàn toàn chiếm chỗ. Và rồi khi nghe em gái đàn, anh được gợi nhắc lại tình yêu gia đình và nhớ lại ước mơ ngày xưa, cũng là lúc anh nhận ra rằng gia đình đã thực sự bỏ rơi anh, điều mà anh luôn phủ nhận trước đó.
Thứ ba , bi kịch của Gregor diễn ra do bị đóng khung trong cái nhìn của xã hội: nghĩa vụ với gia đình.
Có như một nghịch lý nhân sinh được thể hiện rõ ràng trong “Hóa Thân”: Khi bạn cho đi, lần đầu bạn sẽ nhận lại lòng biết ơn, lần hai lần ba lòng biết ơn ấy cứ giảm dần đi rồi đến một ngày thậm chí cho đi trở thành nghĩa vụ của bạn.
Năm năm trước, ao ước duy nhất của Gregor là làm hết sức mình để giúp gia đình nhanh chóng lãng quên cái tai họa đã phá tan tành công việc kinh doanh của ông bố và ném cả gia đình vào cảnh khánh kiệt. Bằng nhiệt tình phi thường, anh lao đầu vào công việc, anh tạo cho họ sự kinh ngạc vui mừng khi nhìn thấy thành quả là những đồng tiền tròn trĩnh, xinh xắn. Anh vực gia đình khỏi cảnh tuyệt vọng, anh cung ứng mọi chi phí của cả nhà, anh tậu nhà và trả nợ. Từ sự vui sướng và biết ơn thuở ban đầu, dần dà họ đón nhận mọi chu cấp của Gregor như lẽ hiển nhiên, rằng người con trai lớn của họ phải là người đi làm và chăm lo cho cả gia đình, và rằng đó – là nghĩa vụ của Gregor.
Trong khi hàng ngày anh phải dậy từ 5 giờ sáng, vội vàng đón các chuyến tàu, vội vàng đi chào hàng khắp nơi, tối tối có khi chỉ quăng mình vào một khách sạn tồi tàn ẩm thấp nào đó ngủ tạm… thì cha mẹ anh vẫn điềm nhiên dùng điểm tâm, em gái anh vẫn điềm nhiên ngủ nướng. Họ lo anh trễ tàu sẽ muộn giờ làm chứ không lo anh có ốm đau gì không, cũng không lo anh có ăn sáng hay không.
Ấy thế mà sau khi Gregor biến thân, gia đình nhốt anh trong phòng, chăm sóc kiểu “cầm chừng”. Nhưng đến sau cùng, phòng anh chẳng ai chịu dọn và cô em gái thậm chí không quan tâm đến việc đem gì cho anh trai ăn, làm cốt để cho xong “nghĩa vụ”. “Còn sống” có lẽ là đã đủ để hoàn thành “nghĩa vụ”. Khi không thể chịu đựng hơn nữa, cô ta tuyên bố gia đình đã làm xong “nghĩa vụ” với Gregor rồi, đã đến lúc nên tống khứ anh đi.
Mặc dù đã chuyển sang một hình hài khác, song ý thức người của Gregor vẫn còn. Chi tiết này dẫn đến những câu hỏi gợi mở thú vị: Tại vì Gregor bị biến thành con bọ nên không thể làm việc như trước, hay tại vì anh không thể làm việc như trước nên trong mắt mọi người – Gregor đã trở thành một con bọ đáng sợ và vô dụng? Phải chăng con bọ Gregor chỉ là một hình ảnh phản chiếu trong mắt của mọi người, vào một ngày mà Gregor không còn là Gregor mà họ nghĩ? Phải chăng bi kịch Gregor là do bị cầm tù trong cái nhìn của xã hội – vì anh không còn đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ với gia đình nữa?
Thứ tư , sự chế ngự của đồng tiền – con người chỉ được coi trọng khi làm ra tiền.
Gregor vốn là người duy nhất lao động và kiếm tiền nuôi cả nhà. Khi có thể kiếm tiền, Gregor là con trai của bố mẹ Samsa, là anh trai của cô em gái Crete. Khi không còn khả năng lao động, cả gia đình nháo nhào và gần như không còn chút tôn trọng nào dành cho anh, bất chấp việc anh đã từng làm việc cật lực để trả nợ và chu cấp cho họ một cuộc sống an nhàn. Anh bị khinh rẻ, đối xử thô bạo và bị bỏ mặc, về sau anh thậm chí không được thừa nhận thân phận Gregor nữa.
Từ sự phi lý mà Kafka cố tình xây dựng từ đầu câu chuyện – mọi người hiển nhiên thừa nhận con bọ khổng lồ là Gregor, cho đến chương cuối cô em gái bày tỏ đầy cay nghiệt: “Nó làm sao có thể là anh Gregor được? Nếu đó là Gregor thì anh ấy hẳn phải nhận biết từ lâu rằng con người không thể nào sống chung với một con vật ghê tởm như thế được và có lẽ anh ấy đã tự động bò đi rồi.” Tương phản đến xót xa!
Rốt cuộc thì, hóa thân hay là hóa tâm?
Gia đình dường như không thực sự xem anh là thành viên, mà giống một cái máy rút tiền hơn. Khi cái máy rút tiền đó không còn hoạt động nữa, tức là đã hỏng rồi, vô dụng rồi, vậy thì vứt nó đi. Không có nguồn chu cấp từ Gregor, nhà Samsa phải tự thân làm việc. Họ ăn tối trong im lặng và cãi vã nhau chuyện tiền nong, mệt mỏi từ công việc không khiến họ thấu hiểu và biết ơn Gregor trong quá khứ, mà lại thêm phẫn hận cho hiện tại.
Một góc nhìn khác: “kén nở ra bướm”
“Hóa Thân” được viết bằng tiếng Đức với nhan đề “Die Verwandlung”, mang hàm nghĩa “sự chuyển đổi” theo chiều hướng tiến tới, ví dụ như kén nở ra bướm hay mầm non đâm chồi thành cây, tức là chuyển-đổi-tiến-tới chứ không chuyển-đổi-lùi-lại.
Bản tiếng Việt được dịch giả Đức Tài chuyển ngữ từ bản tiếng Anh với nhan đề “The Metamorphosis” – nghĩa là sự biến hình hoặc sự hóa thân.
Như vậy, theo nghĩa gốc, nhan đề tác phẩm có nghĩa là sự chuyển đổi hoặc sự biến hình, theo chiều hướng tiến lên. Tất cả các nhân vật trong tác phẩm đều “hóa thân” theo chiều hướng “kén nở ra bướm”.
Cuộc sống áp đặt lên thân xác Gregor, “định vị” kẻ tên Gregor Samsa sẽ là một kẻ có “công dụng” kiếm tiền nuôi gia đình, trong mắt bố mẹ và người em gái, trong mắt đồng nghiệp và lão chủ, và trong cả suy nghĩ của chính anh. Anh bị cầm tù trong cái hình tượng đó, chăm chỉ làm việc và mơ đến ngày mình trả hết nợ và hoàn toàn cắt mọi dây dợ ràng buộc, theo kế hoạch của anh cũng tầm năm, sáu năm nữa.
Và rồi việc biến thân hoá ra lại là phương tiện giúp anh khỏi công việc đáng ghét ấy. Có lẽ đã rất lâu rồi Gregor mới được ngủ đẫy giấc và thức dậy một cách tự nhiên. Anh thấy rất khỏe khoắn, chỉ hơi buồn ngủ, cơn ngái ngủ ở người ngủ nướng. Thay vì điên cuồng lao vào công việc như một cỗ máy vô cảm, anh có nhiều thời gian để tha hồ suy ngẫm làm sao thu xếp cuộc đời mới của mình. Anh rũ bỏ hoàn toàn mọi áp lực mưu sinh đã đè nặng anh bao năm qua. Anh, được giải thoát.
Nhưng cục diện lại nhốt anh vào ngục giam khác – một thân xác xấu xí, bẩn thỉu, dị dạng và “phi người” – không thể kiếm tiền, không thể phát huy “công dụng” vốn có. Điều gì đã giết chết Gregor? Quả táo thối rữa trên lưng? Cơn đói? Những cơn đau đớn từ thân xác? Tất cả đều không phải! Cái chết chính là một lần “hóa thân” tiếp theo của Gregor – một sự giải thoát trọn vẹn hơn.
Khoảnh khắc cuối cùng của anh không hề u ám, anh cảm thấy khá dễ chịu. Đành rằng toàn thân anh có đau nhức, song cơn đau nhức này có vẻ đang giảm dần và cuối cùng có thể sẽ tan biến. “Ý thức của anh một lần nữa lại tiếp nhận ánh sáng hừng đông đầu tiên dần trải rộng ở thế giới bên ngoài khung cửa sổ.” – Ánh sáng rực rỡ như báo hiệu một lần “hóa thân” tiếp theo của Gregor.
Ảnh: blue_dragonfly611 Anh có oán trách gia đình mình không? Không hề!
“Anh đã nghĩ đến gia đình với tình yêu thương trìu mến.”
Gregor chứng kiến quá trình bố mẹ và cô em gái Crete đang từng ngày tự mình rũ bỏ cái kén đã bọc chặt lấy họ bao năm, để thoát ra mạnh mẽ, để tự mình sống cuộc sống của riêng họ, tự thân vận động chứ không phải ăn bám vào anh như trước kia.
Chẳng có sự lột xác nào mà không phải trải qua vô vàn đớn đau. Gregor đã lùi lại để thấu suốt mọi việc, anh đã dùng chính đớn đau đến mức phi lý của mình để giúp mọi người cùng thoát kén bay đi.
Vài nét về tác giả Kafka – Thần tượng của những thần tượng
Franz Kafka (1883 – 1924) sinh ra tại Praha, khi ấy là một phần của Đế quốc Áo – Hung, ngày nay là Cộng hòa Séc.
Kafka là nhà văn, tiểu thuyết gia có xuất thân từ Tiến sĩ Luật. Sau khi tốt nghiệp và đi làm tại một công ty bảo hiểm, ông bắt đầu viết truyện ngắn trong những lúc rảnh rỗi. Trong suốt phần đời còn lại, ông luôn phàn nàn về khoảng thời gian ít ỏi có thể cống hiến cho sự nghiệp văn chương – điều ông nhận định là thiên hướng của mình.
Kafka có di nguyện tiêu hủy tất cả bản thảo, nhưng người bạn thân suốt đời của ông – Max Brod đã từ chối di nguyện đó. Có lẽ vì vậy mà Kafka chỉ thực sự nổi tiếng sau khi qua đời.
Bằng nhãn quan và trực cảm, văn chương Kafka đã ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều văn hào khắp nơi trên thế giới, đồng thời danh tính của Kafka được tưởng niệm dưới nhiều hình thức:
Bảo tàng Franz Kafka tọa lạc tại Praha, dành riêng cho Kafka và tác phẩm của ông.
Giải Franz Kafka là một giải thưởng văn học thường niên của Hội Franz Kafka và thành phố Praha được thành lập năm 2001, ghi nhận những thành tựu văn học như “ tính cách nhân văn và sự đóng góp cho sự khoan dung văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, những tính cách đang tồn tại, vô tận, giá trị nhân văn phổ quát, và năng lực ghi lại dấu ấn của thời đại chúng ta ”.
Bìa ấn bản đầu tiên của Hóa thân
“Dự án Kafka” được Trường Đại học công lập San Diego (California) tiến hành, khởi động vào năm 1998 và dựa trên một cuộc tìm kiếm của Brod và Klaus Wagenbach từ những năm 1950, như một nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm những tác phẩm cuối cùng của Kafka.
3412 Kafka là một tiểu hành tinh vành đai chính, được đặt theo tên của Franz Kafka.
Thuật ngữ “kiểu Kafka” (tiếng Anh: Kafkaesque), trở nên quen thuộc trong nhiều ngôn ngữ châu Âu để mô tả những quan niệm và tình huống gợi lại các tác phẩm của ông. Thuật ngữ này đã vượt quá địa hạt văn học và được áp dụng cho cả những sự kiện, tình huống trong đời thực mà phức tạp đến độ không hiểu nổi, kỳ quái hoặc phi logic.