Lục Xì là một thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng xuất bản năm 1937, vẽ nên bức tranh toàn cảnh về một phúc đường chuyên chữa bệnh hoa liễu cho gái điếm, qua đó phơi bày thực trạng nạn mại dâm ở đất Hà thành dưới thời Pháp thuộc, nhằm phản ánh bản chất những quan điểm những công cụ quản lý gái mại dâm của Nhà nước thực dân.
Phóng sự là một thể loại ký, là trung gian giữa văn học và báo chí. Đặc trưng của phóng sự là điều tra, thâm nhập thực tế và phỏng vấn nhiều người. Một ngòi bút phóng sự không thể qua quýt, nông nổi, cũng không được hời hợt, lười biếng.
Giá trị của phóng sự thể hiện ở cả hai mặt: một là phải có những bằng chứng cụ thể với những tài liệu chính xác thể hiện qua các con số, biểu đồ, thống kê; hai là trên cơ sở phân tích tư liệu, số liệu, phải đặt ra được những vấn đề thời sự mang ý nghĩa xã hội to lớn.
Đọc “Lục xì” – một thiên phóng sự đầy những số liệu chuẩn xác như cái tát vào bộ mặt xã hội thuộc địa nửa phong kiến, qua một giọng văn sặc mùi tiêu ớt – độc giả sẽ phải hốt nhiên cảm thán: Danh xưng “Ông vua phóng sự đất Bắc” của Vũ Trọng Phụng quả thực không ngoa chút nào!
Cũng không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Thiếu Sơn có lời đánh giá cực kỳ cao đối với “Lục xì”:
“Lục xì là một phóng sự có giá trị khoa học lớn, trong lịch sử văn học của ta đã ở một vị trí độc nhất vô nhị trong văn học về mặt y học và pháp lý; đã có vị bác sĩ nào, bậc lương y nào, nhà luật học nào nêu lên được vấn đề như thế, phân tích tình hình như thế và về nhiều mặt góp ý kiến xác đáng như thế với những người có trách nhiệm trong xã hội.”
Đọc thêm: Số Đỏ – Đứa Con Đáng Tự Hào Của “Ông Vua Phóng Sự Đất Bắc”
Giải mã tên gọi nhà “lục xì”
Để đối phó với nghề mại dâm, thế giới lúc bấy giờ chia ra làm hai phái: Phái người thắt buộc nghề mại dâm bằng những luật lệ quy định nghề thanh lâu,và phái người bãi bỏ luật quy định nghề thanh lâu, nghĩa là giải phóng cho nghề mại dâm được mọi cái tự do, bằng chủ nghĩa “thủ tiêu”.
Nước Pháp theo phái người thắt buộc, với lập luận rằng nghề mại dâm đẻ ra nạn hoa liễu, mà nạn hoa liễu là một tai họa cho cả xã hội, vậy thì phải đem một ít luật lệ ra thắt buộc nó, kiềm chế nó, mong sao đỡ hại giống nòi.
Và dĩ nhiên, Hà Nội – thủ phủ Đông Dương, thuộc địa của Pháp cũng theo phái người thắt buộc.
Vì lẽ đó, Hà Nội có một cuốn luật lệ quy định mại dâm: gái mại dâm phải có giấy chứng nhận hành nghề, có nhà đĩ điếm để bọn kỹ nữ bán dâm theo đúng luật, có ngạch cảnh sát xướng kỹ để lùng bắt bọn ấy khi họ bỏ trốn, có phúc đường để giam và chữa cho bọn ấy khi họ có bệnh. Nhà đĩ điếm ấy, dân ta gọi nôm na là nhà thổ. Ngạch cảnh sát xướng kỹ ấy, dân ta gọi nôm na là ngạch Đội con gái. Mà phúc đường ấy, dân ta gọi nôm na là nhà lục xì.
Vậy từ “lục xì” nguồn gốc từ đâu mà ra?
Theo lời giải thích của bác sĩ Joyeux – Giám đốc nhà lục xì, kiêm Chánh ngạch vệ sinh (bây giờ là Sở Y Tế) Hà Nội – “lục xì” là ở chữ “Luck sir”, nghĩa là khám bệnh. Tuy nhiên đã có người bông đùa, hay dùng tiếng hồng mao (tiếng Anh) trong khi đáng lẽ phải dùng tiếng Pháp, thành ra cách đọc cái nhà lục xì (cai nha loock see) trở nên phổ biến tại An Nam ngày ấy.
Lục xì là một phúc đường, nhà khám bệnh, nhà thương chữa các bệnh miễn phí cho gái mại dâm, chủ yếu là những bệnh truyền nhiễm như lậu, giang mai… chữa cho đến khi hết bệnh lại ra ngoài để tiếp tục “hành nghề”.
Để đi sâu vào điều tra, tìm cách thâm nhập vào nhà lục xì, Vũ Trọng Phụng đã bắt đầu từ việc xin giấy phép từ ông Đốc lý và phỏng vấn bác sĩ Joyeux.