Bạo lực, nạn phân biệt chủng tộc, quan điểm tình dục & hành trình phiêu lưu của những bạn trẻ qua những miền đất hùng vĩ là câu chuyện xuyên suốt trong cuốn sách Sáu người đi khắp thế gian này.
Nếu có bạn trẻ nào từng ước mơ chinh phục cả thế giới, thì sẽ vô cùng hào hứng khi đọc tập 1 của cuốn 6 người đi khắp thế gian này. Những khi chứng kiến Joe, Brittal hay Monica vượt qua mọi thứ, vứt bỏ tất cả “bỏ nhà ra đi” để chinh phục thế giới, chắc hẳn trái tim người đọc nó cũng sẽ rực cháy theo. Xách ba lô lên và đi thôi nào, các bạn trẻ!
Nhưng rồi, khi đọc hết tập 2, những kẻ mộng mơ nhất có lẽ cũng cần phải trầm ngâm suy nghĩ lại. Tất nhiên du lịch vòng quanh thế giới là một cái sung sướng tột đỉnh của những tâm hồn thích phiêu lưu, nhưng rồi khi giấc mơ chạm mặt đất, có lẽ ai cũng run rợ mà không dám quả quyết với cái mong muốn thuở ban đầu.
Bởi cái chết, chiến tranh & bạo lực xảy ra tức thì, ngay cạnh hành trình của họ.
Vậy thì, an toàn trở về có lẽ là khao khát lớn nhất, chứ không phải là ước mơ chinh phục địa cầu nữa rồi.
Đánh trọng tâm vào ước mơ của những cái tôi thích nổi loạn, không ngoa khi James Albert Michener được mệnh danh là thiên tài thấu hiểu giới trẻ. Qua cuốn tiểu thuyết phiêu lưu giang hồ thượng thặng này, chắc hẳn bạn đọc nào cũng phải gật gù thán phục & công nhận chân lý đó.
Ngoài ra thì 2 cuốn sách này có thể được xem là một bách khoa toàn thư về chiến tranh, chính trị, tôn giáo, tình dục & những nền văn hóa khác nhau. Lượng kiến thức đồ sộ trong mỗi chương sách không khỏi khiến độc giả và ngay cả những nhà nghiên cứu cũng phải trầm trồ.
[Tập 1] Nguồn cơn của hành trình chạy trốn hiện thực của sáu con người trẻ tuổi
Tập 1 của cuốn sách giới thiệu 6 nhân vật chính & hành trình từ quê hương bước tới với thành phố mặt trời, Torremolinos ở Tây Ban Nha, một cái tên thật khó nhớ, nhưng là điểm chung của họ, bốn người Mỹ, một cô tiểu thư nhà giàu ở Anh Quốc & một cô gái Na Uy giàu nghị lực đầy khát khao vươn tới ánh sáng.
Cả 6 người với những lý do khác nhau và vô tình gặp nhau tại một nơi để rồi cuối cùng bánh xe định mệnh chở họ đi phiêu bạt giang hồ. Trước khi nói về hành trình đầy bất ngờ ấy, chúng ta sẽ cùng điểm qua khởi nguồn của mọi chuyện qua lời kể của nhân vật tôi – George Fairbanks, một ông già 61 tuổi vô tình quen biết với cả 6 người và cũng là người hướng dẫn các bạn trẻ trong suốt chặng đường chinh phục thế gian của họ.
Joe – tuổi trẻ là chân thật
Không có người nào điên rồ tới mức muốn chiến tranh hơn hoà bình: vì trong thời bình con trai chôn cất cha, còn trong thời chiến thì cha chôn cất con trai. (Herodotus)
Có một anh chàng sinh viên tên là Joe vì chán ghét chiến tranh & thông điệp chính trị cùng lời kêu gọi nhập ngũ chỉ để đi đánh nhau, đã quyết định vứt bỏ thẻ quân dịch của mình. Anh trở thành kẻ tị nạn chính trị khi mới 20 tuổi, rời đất nước để đến một nơi xa lạ dưới sự giúp đỡ của những lực lượng không ủng hộ chính phủ.
Ngày 1 tháng Giêng năm 1969, Joe bắt đầu hành trình đi vào cảnh lưu đày. Anh không hề nghĩ đến việc gọi điện thoại cho ông bố bà mẹ bất lực của mình: bởi anh hiểu là cha anh sẽ cằn nhằn còn mẹ anh sẽ khóc lóc….
Hành trình đến với thành phố mặt trời của Joe đúc kết bằng 2 từ : điên rồ! Nhưng tuổi trẻ có ai lại không muốn được một lần như anh ta cơ chứ!
Một kẻ thà bỏ trốn khỏi quê nhà chứ không nhất quyết “yêu đại một cô nàng nào đấy, tính kĩ chu kỳ rụng trứng & làm cô ta có bầu” để tránh quân dịch, một sinh viên luôn ám ảnh trong đầu là những băn khoăn với ý nghĩa “tội nghiệp người da đen phải đi lính, người da trắng thì không; người nghèo bị lôi ra trận, người khờ dại bị lùa đi lính & có thể bị bắn chết, người giàu & người thông minh thì sống an nhàn! Và Joe quy mọi tội lỗi, chán chường cảnh giả tạo là do một chính phủ đã thối nát và sai lầm từ gốc rễ. Anh không sử dụng những thủ đoạn đê hèn để trốn quân dịch như bao người “khôn ngoan” khác. Thậm chí ngay khi được hỏi lần cuối cùng, anh thà ra đi như một tội phạm chứ không thèm nhận lỗi vì đã gửi thư trả lại thẻ quân dịch. Và rõ ràng ra đi là một lựa chọn khôn ngoan, chí ít thì còn hơn là vùi những năm tháng trẻ tuổi của anh ở trong tù!
Chính những suy nghĩ dẫn Joe đến hành trình đi khắp thế gian sau này, là một minh chứng cho sự ngạo nghễ của những con người trẻ tuổi. Quyết tâm của Joe đủ lớn, để hành trình đi đến thành phố Torremolinos (một nơi mà người ta nói đủ mọi thứ tiếng trừ Tây Ban Nha) của anh trở nên dễ thở hơn bao giờ hết, dù lúc ra đi trong túi anh không có lấy một xu đáng tiền.
Britta – cô gái Na Uy và khát vọng nhìn thấy mặt trời
Britta được miêu tả là một cô gái đầy nghị lực xuất phát từ đảo Tromso, cách vòng Bắc cực hai trăm dặm về phía bắc. Lý do cô muốn rời xa quê hương rất đơn giản : cô khao khát được nhìn thấy tia sáng ấm áp từ Mặt trời, trốn xa vùng đất Na Uy tù túng!
Khá nhiều người bị bệnh lãnh cảm sau khi trải qua một trải nghiệm tình dục tồi tệ trong quá khứ, chẳng hạn như bị cưỡng bức, bị bạo hành…Tuy nhiên với Britta, một nạn nhân của lão già ghê tởm (bị hãm hiếp khi chỉ mới 15 tuổi), đã hoàn toàn vượt qua được vấn đề này và có những trải nghiệm ngọt ngào với anh chàng bạn trai lúc chỉ mới 18 tuổi.
Và đặc biệt hơn, dù anh chàng kia có khả năng làm tình tuyệt vời đến mấy, cô vẫn quyết định rời bỏ anh ta để ra đi đến với thành phố Mặt trời, với hành lý là một tấm vé đã bóc sạch số tiền của cô dành dụm được trong suốt thời gian ở quê nhà
Tại sao cô gái trẻ lại dũng cảm từ bỏ quê hương để chạy đến một nơi xa lạ không người thân thích? Có 2 lý do.
Một là vì bố cô, một người hùng của quá khứ khi chống phát xít ở chiến tranh thế giới, và một gã thất bại ở hiện tại khi mà giấc mơ đi đến hòn đảo Cleylon của ông chỉ mãi mãi là ảo vọng. Ông chỉ biết mơ ước vào ban đêm với những câu hò của Thợ mò ngọc trai, trong khi ban ngày thì vất vả kiếm sống ở một công ty xuất nhập khẩu, một nhân viên quèn với đồng lương chết đói.
Lý do thứ hai. Hằng năm cứ đến và ngày hai mươi hai tháng Chín, trong chu trình lên xuống đã định trên khoảng trời, ngay cả giữa trưa mặt trời cũng khuất dưới đường chân trời, nghĩa là ngày thì ngắn và đêm thì dài vô tận. Người dân ở Tromso nói rằng “chúng ta đã ở trong đường hầm”. Nghĩa là bóng tối gần như bao phủ toàn bộ thời gian của khu vực, ngoại trừ một màn sương xám mỏng manh lúc 12h trưa.
Với Britta thì đường hầm đó vô cùng khủng khiếp. Cô khao khát đi đến thành phố nào đó khác, để được thấy Mặt trời!
“Khi bạn mơ ước một thứ gì đó, cả vũ trụ sẽ chung tay giúp đỡ bạn” Câu nói của Nhà giả kim rất thích hợp để minh họa về trường hợp này của Britta. Với những nỗ lực phi thường của cô cộng thêm một may mắn không thể tin nổi, Britta đã có tấm vé để đến Toremolinos, đối với người khác thì đó là một chuyến du lịch 15 ngày đơn thuần, còn đối với cô, đó là một hành trình một đi không trở lại, nơi cô mơ ước được sống một cuộc đời khác, một hành trình rạng rỡ dưới ánh mặt trời.
“Con sẽ không bao giờ quay lại…không bao giờ. Mẹ nói với cha nhé.”
Monica – Cô tiểu thư người Anh và hành trình lang bạt không mục đích
Nếu như Joe rời tổ quốc chỉ để trốn tránh cái hiện thực đáng chán là anh phải làm những việc vô đạo đức để tránh quân dịch, hoặc là nhập ngũ để chiến đấu với một lý tưởng không hòa bình. Anh rời quê một cách đầy anh dũng, từ bỏ thiên đường của nhiều người để đến một nơi đầy bão tố mà anh chưa từng tưởng tượng.
Nếu như Britta bỏ nhà ra đi chỉ vi khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn, để quên đi ngày tháng bình dị đến chán ngán cùng những người tình chẳng đi đến đâu. Một nỗ lực, một ý chí của một cô gái trẻ đáng ngưỡng mộ.
Thì Monica, tiểu thư Monica là đại diện cho một hình ảnh vô cùng không đẹp của tuổi trẻ. Hiếu thắng, không màng đến kết cục & sống bù khú vấp váp ngớ ngẩn với ma túy và tình dục. Mặc dù lý do cô ra đi, chán ghét sự lãnh đạo của cha cô tại cộng hòa Vwadra, một quốc gia châu Phi giả tưởng, và muốn tránh xa cái bóng quá lớn của ông ấy, một phát ngôn viên, một chính trị gia, một nhà ngoại giao Anh thất bại thảm hại.
Nhưng cô chạy trốn với không mục đích và không biết đến ngày mai. Và rồi ma túy và tình dục cũng những cơn say “hết mình” không giúp cô tốt đẹp hơn, mà ngược lại.
Tuổi trẻ và phá cách, đó là những gì ngắn gọn và tốt đẹp nhất để nói về Monica. Đáng khen là những quyết định táo báo của cô, và đáng trách cũng là những quyết định ấy.
Sẽ không bàn nhiều về cô gái này ở bài review này nữa, tuy nhiên độc giả có thể tự nhìn lại mình khi đọc tới những vấn đề mà cô gái mạnh mẽ này đã trải qua, chiêm nghiệm nó và tự ra nhận xét cho riêng mình.
Anh chàng da đen Cato và nạn phân biệt chủng tộc
Bạn đọc quan tâm tới nạn phân biệt chủng tộc có lẽ sẽ rất thích thú khi được nghe tác giả tỉ mỉ miêu tả về anh chàng da đen Cato và hành trình đến với thành phố Mặt Trời.
“Về người Mỹ da đen, môt câu đơn giản tóm tắt lịch sử xác đáng của đất nước chúng ta: được thuê cuối cùng, bị đuổi đầu tiên”
“Suốt 364 ngày trong năm, người da đen kiên nhẫn chịu đựng một nỗi thống khổ hẳn sẽ đẩy người da trắng vào thế phải tự vẫn. Ngày thứ 365, anh ta trốn thoát bằng cách ở nhà uống say bí tỉ, và rồi nhân viên xã hội báo cáo, “Anh ta không có khả năng làm việc, như thường lệ”
Khắc họa sự bất công đối với người da đen, tác giả miêu tả những vụ bạo loạn, sự kém hiểu biết của họ đồng thời không quên nói về những kỳ thị, ác cảm của những người da trắng đối với họ. Hơn thế, nạn phân biệt chủng tộc còn nặng nề hơn qua sự dối trá và ngớ ngẩn đến từ báo chí và truyền thông!
Với những kẻ kém hiểu biết chỉ nhận thông tin một chiều, họ sẽ cho rằng Cato là một kẻ khủng bố, theo đạo Hồi và là một tay súng nguy hiểm. Còn đối với nhân vật tôi trong truyện, Cato chỉ đơn giản là một anh chàng da đen dễ mến và thức thời. Nhưng dù sao thì anh cũng là một kẻ chạy trốn vì một cuộc đấu tranh cho sự công bằng của chủng tộc.
Yigal, một anh chàng Do Thái với trí tuệ phi thường và một trái tim nóng ấm
Đọc phần miêu tả về Yigal, người đọc hoàn toàn có thể hình dung được nền tảng giáo dục của gia đình và môi trường sống ảnh hưởng như thế nào tới tương lai con trẻ.
Yigal là một trường hợp đặc biệt như thế. Anh mang cả hai quốc tịch Mỹ và Irasel, và khi tổ quốc Do Thái cần, anh sẵn sàng vứt bỏ tương lai tốt đẹp ở Hoa Kỳ để sát cánh với những người lính bên chiếc xe tăng, bất chấp sự phản đối của gia đình. Nhưng sau chuyện đó, lại khiến anh đau đầu cho tương lai khi phân vân không biết nên làm gì tiếp theo, trở về Mỹ làm một sinh viên ưu tú ở đại học Michigan theo ý ông ngoại, hay sang Anh theo ý ông nội để trở thành nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu tại Cambridge. Hay là về Israel, ghi tên vào trường Technion ở Haifa.
Bế tắc trong việc lựa chọn tổ quốc cho riêng mình, là Irasel hay là Mỹ, hay là công dân Anh, và thế là Yigal chạy đến Tây Ban Nha du lịch, và cuối cùng theo chân các bạn trẻ khác làm một vòng quanh thế giới.
Tuổi trẻ tươi đẹp, sống cháy hết mình, chính là những hình ảnh nói về Yigal
Thông qua câu chuyện về Yigal, tác giả khắc họa tài tình về sự bất ổn, chiến tranh tại Quốc gia khởi nghiệp Irasel với trận chiến 6 ngày trong đó Yigal đóng vai trò chủ chốt, đồng thời James Michener cũng đã lý giải vì sao đất nước Do Thái này vẫn là điểm đến đáng mơ ước của nhiều người mặc dù tình trạng chiến tranh luôn tiếp diễn.
Thêm một lần nữa, kho kiến thức đồ sộ của tác giả về chính trị, khoa học, địa chất được khai thác tối đa. Và cuốn bách khoa thư này vẫn chưa có điểm dừng.
Gretchen, cô gái của Niềm hy vọng Mỹ
Nếu như Britta ứng xử tuyệt vời sau khi bị lạm dụng tình dục, thì Gretchen mãi mãi bị ám ảnh bởi một vụ tương tự, dù cô gái này thậm chí còn mạnh mẽ hơn cô gái Na Uy khi dám đứng lên đấu tranh chính trị cho một nền dân chủ Mỹ.
Đánh đàn ghi ta điêu luyện, hát hay và sẵn sàng chết vì McCarthy, vay 200$ để làm phí đào thoát cho một anh chàng trốn quân dịch, Gretchen tìm mọi cách làm có thể để tin vào một nước Mỹ tốt đẹp hơn. Gọi Gretchen là niềm hy vong Mỹ thật không sai chút nào.
Viết về Gretchen, tác giả lồng vào đó những khúc ballad ngọt ngào của các bản nhạc Child 305 khúc được cô gái nhỏ nhắn này thể hiện, trước khi miêu tả kĩ càng về cơn ác mộng đã biến Grettchen trở nên hoang mang: bị lạm dụng tình dục bởi cảnh sát, trong khi cô đấu tranh vì hòa bình cho đất nước!
Lãng mạn với ballad hoa hồng & vỡ mộng vì tiếng súng! Miêu tả về Gretchen thế có lẽ là đủ.
Nhưng không, cô gái này còn làm được nhiều điều tích cực hơn thế. Là điểm sáng hiếm hoi mà 5 người còn lại không làm được, dù xuất phát điểm của cô có thể nói là kém hơn so với phần còn lại. Những ý tưởng tươi mới của cô trong tập 2 sẽ là khúc giáng ca ngọt ngào mà tác giả hiếm hoi thể hiện cho bạn đọc vì một ngày mai tươi sáng.
Hết tập 1, đã xong màn dạo đầu, và hành trình của các bạn trẻ cũng mới chỉ ở bước đầu tiên!
Có vẻ như tác giả rất giỏi khi miêu tả một thế giới đầy biến động với chiến tranh vùng Trung Đông, chiến tranh Việt Nam, nạn phân biệt chủng tộc, … Tuy nhiên, sống trong một hiện thực tàn khốc như thế, những thanh niên vỡ mộng về một cuộc sống màu hồng chỉ còn biết cách chạy trốn. Trong suốt tập 1, chàng trai trẻ Joe chỉ biết trốn quân dịch, không thèm đấu tranh cho nó, Britta thì không có ý định trở về nhà để làm một cái gì đó tươi sáng hơn cho nơi cô được sinh ra, Monica chết sau hành trình phiêu bạt, các đại diện khác của những cuộc giải phóng dân tộc ở châu Phi cũng…chẳng làm gì khá hơn.
Các bạn trẻ phản kháng với xã hội rất tốt, nhưng chưa góp phần xây dựng nó trở nên tốt đẹp hơn. Và rõ ràng là tác giả cũng không có giải đáp cho những bài toán của hiện thực đương thời, một thế giới bất ổn và nhiều nguy cơ bùng nổ
[Tập 2] Đêm phương nam ở Tây Ban Nha, Bò tót & Rừng rậm châu Phi đầy ám ảnh
Thay cho lời kết: Đôi điều về tác giả & tác phẩm
James Albert Michener là nhà văn nổi tiếng người Mỹ với trên 40 đầu sách. Ông từng học và giảng dạy ở nhiều trường đại học, nhận bằng thạc sỹ văn chương năm 1937 và có hơn 30 học vị tiến sĩ danh dự về nhân văn, luật, thần học & khoa học.
Các tác phẩm của Michener bán được gần 80 triệu bản trên khắp thế giới, nhiều lần được chuyển thể thành phim và nhận rất nhiều giải thưởng văn học uy tín (Giải Pulitzer, giải Franklin, Huy chương Vàng của Viện nghiên cứu Tây Ban Nha, giải Einstein của Einstein Medical College…)
Michener đã tặng hơn 100 triệu đô la tiền nhuận bút cho một số trường đại học, thư viện, viện bảo tàng, chương trình nghiên cứu…
Bảo tàng Nghệ thuật ở Doylestown, Pénsylvania, quê ông mang tên tên Michener.
Sáu người đi khắp thế gian (tên gốc là The Drifters) được xuất bản năm 1971 và suốt sáu tháng liền nằm trong danh sách những tác phẩm bán chạy nhất New York.