Tiểu thuyết Thủy hử và quan niệm anh hùng của Thi Nại Am


Là một trong tứ đại danh tác của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, Thủy hử truyện của Thi Nại Am làm đắm say biết bao trái tim bạn đọc không chỉ bởi nghệ thuật kết cấu truyện đặc sắc mà hơn hết là ở hình tượng của những bậc anh hùng, hảo hán. Để rồi, qua những hình tượng đó, độc giả thấy được quan niệm về người anh hùng của tác giả Thi Nại Am, một quan niệm vừa mang nét chính thống Nho gia, vừa mang nét dân gian, giang hồ.

Thủy hử

Nguồn ảnh: Page Tri Thức Trẻ Books

Tiền đề văn hóa, xã hội hình thành quan niệm anh hùng trong tiểu thuyết Thủy hử

Là một trí thức Nho giáo sống trong thời kì tư tưởng Nho giáo nắm vị trí độc tôn, có thể nói tiền đề là những giáo lí của đạo Khổng đã có ảnh hưởng rất lớn đến Thi Nại Am, đến việc xây dựng hình tượng cũng như quan niệm về người anh hùng trong Thủy hử truyện. Đọc Thủy hử truyện, ta dễ dàng bắt gặp những nhân vật có lòng trung thành, lễ nghĩa, hiếu kính tuyệt đối như Tống Giang hay một Lý Quỳ dù bộc trực nhưng có một lòng hiếu thảo với mẹ đến xúc động lòng người; luôn giữ lễ nghĩa với bậc bề trên trong nghĩa quân Lương Sơn. Quan niệm đó là quan niệm chính thống, dựa trên cơ sở của nền văn hóa được xây dựng dựa trên giáo lý đạo Khổng; dựa trên nền tảng những tính cách truyền thống, tốt đẹp của nhân dân Trung Hoa.

 

Còn nói đến bối cảnh hình thành tác phẩm, trước hết phải nói đến bối cảnh cuối triều đại nhà Tống, bối cảnh đã thai nghén lên tác phẩm: đó là vào thời Tuyên Hòa, thời gian trị vì của Tống Huy Tông. Trong suốt những năm trị vì, Tống Huy Tông ham danh hám lợi, bỏ trung dùng gian, sinh hoạt xa xỉ, bóc lột của cải trong nhân dân để thỏa mãn những nhu cầu của mình. Hoàn cảnh đó đã dẫn tới một hệ quả dường như tất yếu: khởi nghĩa nông dân trong nước suốt mười mấy năm. Trong số những cuộc khởi nghĩa nông dân đó, có cuộc khởi nghĩa do Tống Giang lãnh đạo. Và câu chuyện Tống Giang khởi nghĩa được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, trong hoàn cảnh xã hội cuối đời Tống đầy biến động. Điều đó đã mang đến màu sắc dân gian rất đậm đặc trong hình tượng những người anh hùng của nghĩa quân Lương Sơn.

Và đến khi tác phẩm được Thi Nại Am gia công nhuận sắc thì lịch sử lại có những biến động quan trọng. Đó chính là giai đoạn cuối triều Nguyên, đầu triều Minh. Bối cảnh xã hội bấy giờ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến việc Thi Nại Am hoàn chỉnh câu chuyện của 108 vị anh hùng và nhất là quan niệm về người anh hùng trong tác phẩm.

Cuối triều Nguyên, các triều đại rất ngắn ngủi, xảy ra liên tiếp các vụ âm mưu và tranh giành. Trung Quốc bị chia rẽ bởi những phe phái bất đồng và tình trạng bất ổn; các băng đảng nổi lên khắp nước mà quân đội Nhà Nguyên không thể làm gì để dẹp yên, nạn đói nổi lên, sự cay đắng, oán thán của nhân dân nổi ra đầy trời. Và hoàng đế cuối cùng đã bị Chu Nguyên Chương, người sáng lập Nhà Minh (1368-1644), đánh đuổi vào năm 1368.

Vương triều Minh là vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc do người Hán đứng đầu, được xây dựng sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa nông dân do Chu Nguyên Chương (sau là Minh Thái Tổ) lãnh đạo. Nhưng sau khi Chu Nguyên Chương xây dựng chính quyền thống nhất, để củng cố quyền thống trị, Minh Thái Tổ một mặt xây dựng chế độ trung ương tập quyền cao độ của nền chuyên chế phong kiến, đồng thời thi hành một số chính sách kinh tế phát triển. Vì thế, kinh tế xã hội dần dần được khôi phục, sức sản xuất được nâng cao và phát triển.

Tuy nhiên, cảnh ổn định, phồn vinh của xã hội đầu Minh không hề đem lại sự phát triển phồn thịnh mới nào văn học chính thống. Giai cấp thống trị dùng chính sách khống chế văn học nhằm che đậy những mâu thuẫn tiềm ẩn bên trong đồng thời ra sức đề xướng lý học duy tâm khách quan của Trình, Chu để khống chế và cầm tù tầng lớp trí thức chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt, cũng giống như bao hoàng đế lập nên vương triều mới, sau khi lật đổ nhà Nguyên, Minh Thành tổ đã ra tay sát công thần, võ tướng, những người từng cùng ông vào sinh ra tử, gây dựng sự nghiệp.

Thời kì lịch sử đầy biến động đó đã ảnh hưởng rất lớn, góp phần làm nên tính chính thống cũng như phi chính thống trong quan niệm về người anh hùng của Thi Nại Am nói chung và quan niệm về người anh hùng được ông thể hiện trong tác phẩm Thủy hử nói riêng.

Thủy hử review

Nguồn ảnh: Page Tri Thức Trẻ Books

Quan niệm anh hùng chính thống trong tiểu thuyết Thủy hử của Thi Nại Am

Quan niệm anh hùng chính thống của người Trung Quốc chịu sự chi phối trực tiếp của quan niệm Nho gia. Theo đó, người quân tử, người anh hùng phải có đủ ba đức tính cơ bản “Nhân thì không lo, Trí thì không nghi ngờ, Dũng thì không sợ” (Quân tử đạo hữu tam: nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ). Không chỉ vậy, người quân tử phải có lòng trung, có hiếu, có lễ. Là một trí thức Nho học, sống trong thời đại đạo Khổng thống trị nền tư tưởng Trung Quốc, có thể nói, Thi Nại Am chịu ảnh hưởng hết sức sâu đậm của tư tưởng Nho gia. Bởi vậy, quan niệm anh hùng của Thủy hử truyện có tính thống nhất với quan niệm anh hùng chính thống đương thời.

Trước hết, đó là chữ nhân, chữ nghĩa trong cách nhìn nhận, đánh giá một bậc trượng phu, một người anh hùng. Thời nào cũng vậy, chữ nhân luôn đặt lên hàng đầu, là đạo làm người. Đó là cách đối nhân xử thế, là tấm lòng của con người giữa đời thường, cũng như vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội. Chữ nhân trong mỗi người không chỉ là một tấm lòng yêu thương con người, quê hương đất nước mà chữ nhân đó còn phải  biết gắn cái riêng của mình vào cái chung của xã hội hiện tại, với sự ràng buộc giữa người với người bằng những mối liên quan gắn kết.

Và chữ nhân của người anh hùng trong Thủy hử truyện cũng biểu hiện như vậy. Đó là những hành động bênh vực kẻ yếu; thái độ căm ghét cường hào ác bá ức hiếp dân lành, những kẻ cậy quyền cậy thế, cậy tiền cậy của đè nén, hà hiếp con người đến cảnh cùng đường mạt lộ. Mỗi nhân vật trong Thủy hử truyện có một cách thể hiện chữ nhân một cách khác nhau nhưng họ đều gặp nhau ở lòng yêu chuộng chính nghĩa. Đó là một Lỗ Trí Thâm có tùy tiện, phóng túng nhưng luôn giữ nguyên tắc sống bênh vực kẻ yếu, ghét thói cường quyền. Hay như một Võ Tòng: “xưa nay chỉ quen đánh giết những kẻ chướng ác ở đời”, nghĩa là vị anh hùng họ Võ chỉ giết kẻ ác trừ hại cho đời chứ không hề có ham muốn lạm sát người vô tội.

Chữ nhân trong Thủy hử truyện không đứng một mình mà nó gắn liền với chữ nghĩa, chữ trung để tạo thành mối quan hệ nhân nghĩa, trung nghĩa giữa những người hảo hán nói riêng, giữa những anh hùng với con người nói chung mà tiêu biểu là đầu lĩnh Tống Giang. Vì chữ nhân, trong những trận chiến, ông đều thu phục lòng tướng giặc chứ không bao giờ giết hại; vì chữ nhân, mỗi lần những người hảo hán Lương Sơn xuất quân, ông đều hạ lệnh không được làm tổn hại nhân dân. Và chính vì luôn chủ trương nêu cao chữ nhân, chữ nghĩa đó mà Tống Giang thu phục được nhân tâm, quy tụ được 108 người anh hùng xung quanh mình. Nhưng chữ trung, chữ nghĩa của Tống Giang có thể có nhiều hạn chế, khiến tư tưởng của ông bị bó buộc, không thể phóng khoáng, tự do như Lỗ Trí Thâm hay Võ Tòng và cũng là nguyên nhân tạo nên thảm kịch cho nghĩa quân Lương Sơn sau này. Song xét trong hoàn cảnh xã hội phong kiến, chữ nghĩa của Tống Giang có thể lí giải và đồng cảm bởi nó phù hợp với quan điểm, tư tưởng chính thống, tư tưởng Nho gia.

Và biểu hiện của lòng nhân nghĩa trong Thủy hử truyện cũng hết sức đa dạng. Người anh hùng không chỉ giữ trọn chữ nghĩa với nhau mà còn giữ trọn chữ nghĩa với những người xung quanh họ. Như tấm lòng nghĩa nặng ân tình Lâm Xung dành cho vợ mình khi ông phải chịu cảnh đi đày là một điểm nhấn sáng ngời về tình nghĩa vợ chồng trong thời kì phong kiến.

Đồng thời, sự thể hiện của lòng nhân còn đi liền với chữ hiếu. Chữ hiếu ở đây không chỉ bó gọn trong phạm trù hiếu kính với cha mẹ mà còn được mở rộng là sự hiếu kính với anh chị em và người lớn tuổi. Nhân và hiếu là cái gốc của người quân tử như Tống Giang luôn khắc ghi lời cha, như Võ Tòng đã vì anh mà quyết chí trả thù, và như một Lý Quỳ ngạo ngược nhưng lại “sụt sùi” khi nhắc đến mẹ…

Bên cạnh nhân nghĩa, hiếu lễ, trong quan niệm chính thống Nho gia, người anh hùng phải có trí, là tài năng, trí tuệ. Mà Thủy bạc Lương Sơn chính là nơi tập trung những bộ não tài trí như vậy. Không riêng gì những quân sư tài ba như Trí đa tinh Ngô Dụng, Nhập vân long Công Tôn Thắng mà ngay cả tổng đầu lĩnh, đầu lĩnh nghĩa quân cũng là những người mưu lược, trí dũng kiêm toàn, hơn người như Tống Giang, Võ Tòng hay Thạch Tú. Và trong Thủy hử truyện, nếu như chữ nhân là nền tảng của quan niệm về người anh hùng thì chữ trí là một trong những cơ sở để có thể hiện thực hóa nhân nghĩa. Bởi có trí, người anh hùng mới có thể tìm ra được cách giải quyết toàn vẹn trong hoàn cảnh hiểm nghèo. Trí tuệ, mưu lược soi đường, dẫn dắt cho sự anh dũng, sức mạnh đến thắng lợi cuối cùng. Trí là một yếu tố hết sức quan trọng đặc biệt đối với một nghĩa quân như Lương Sơn Bạc.

Nhưng chữ trí phải đi liền với chữ dũng, cái gan dạ, dám nghĩ, dám làm thì trí tuệ mới có thể hiện thực hóa sách lược vào cuộc sống, chiến trận. Chính trong Thủy hử truyện, chữ dũng đó càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Đó là một Võ Tòng tay không giết hổ, một Lý Quỳ giết bốn hổ trả thù cho mẹ già; đó là một giáo đầu Lâm Xung dạy tám mươi vạn cấm binh ở Đông Kinh, một Hoa hòa thượng Lỗ Trí Thâm “nhổ bật gốc thùy dương”. Bằng bút pháp mĩ lệ, thần tượng hóa hình ảnh người hảo hán thủy bạc, Thi Nại Am đã làm hiện ra trước mắt người đọc những vị dũng tướng kiêu hùng. Và sức mạnh không chỉ là cơ sở để người dân nghèo tin tưởng vào những vị anh hùng hảo hán mà còn là cơ sở để người hảo hán tự tin vào tài năng của mình, sống phóng khoáng, ngạo nghễ với đời.

Người anh hùng có nhân, trí, dũng là điều được quy định trong Nho gia và được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học cổ điển. Như trong Tam Quốc diễn nghĩa, ta thấy có một Lưu Bị “tuyệt nhân”, một Gia Cát Lượng “tuyệt trí”, một Trương Phi “tuyệt dũng”. Tiếp thu quan niệm về người anh hùng chính thống này, Thi Nại Am cũng đã xây dựng nên hình tượng những vị hảo hán Lương Sơn Bạc phần nào mang tư tưởng anh hùng chính thống thời phong kiến nói chung, những năm cuối triều Nguyên, đầu triều Minh nói riêng.

Thủy hử truyện

Nguồn ảnh: Page Tri Thức Trẻ Books

Sự phi chính thống ở quan niệm anh hùng trong Thủy hử truyện.

Bên cạnh những điểm chính thống, trong quan niệm về người anh hùng được Thi Nại Am thể hiện trong Thủy hử truyện còn có những điểm phi chính thống. Những điểm này được thể hiện ở màu sắc dân gian trong hành động của những người anh hùng; thể hiện ở tính chất bản năng nhiều khi đến tàn bạo của họ. Tính phi chính thống trong quan niệm anh hùng của Thi Nại Am đã gây ra nhiều thái độ, nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề hình tượng người hảo hán Lương Sơn, về “giá trị tình thần của Thủy hử”. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà một người trí thức Nho học như Thi Nại Am lại thể hiện những điểm phi chính thống, những điểm khác với tư tưởng Nho gia trong tác phẩm của mình. Có lẽ, quan niệm đó ảnh hưởng và hình thành từ chính những năm tháng Thủy hử truyện phát triển trong dân gian, từ chính hiện thực xã hội phong kiến rối ren, tăm tối mà Thi Nại Am sống.

108 vị anh hùng trước khi lên Lương Sơn tụ nghĩa mỗi người đều có một hoàn cảnh, một cuộc sống khác nhau: có người làm quan, có người làm nghề dạy học, có người là đạo sĩ lang bạt, có người lại là ngư dân sống cuộc sống gắn liền với sông nước. Nhưng ở họ đều có chung một tinh thần nghĩa hiệp giang hồ. Bởi vì là giang hồ nên họ sống thoải mái, phóng khoáng và cởi mở với nhau; đối đãi với nhau như huynh đệ ruột thịt bằng sự thật tâm, thật dạ, bằng tấm lòng nghĩa hiệp trong sáng, không vụ lợi.

Họ nhận nhau ở tiếng thơm, ở đức tính trọng nghĩa kinh tài của nhau. Không như  trong Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị quy tụ được anh hào xung quanh ngoài tấm lòng “tuyệt nhân” còn bởi cái danh ông là con cháu nhà Hán; trong Thủy hử truyện, 107 vị hảo hán khác sẵn sàng quy thuận Tống Giang chỉ bởi lòng yêu mến, ái mộ đối với một người vẫn được mang danh là “Cập thời vũ”. Đến những bậc hảo hãn lẫy lừng như Võ Tòng cũng khâm phục ông mà dành cho ông những lời khen ngợi chân thành nhất.

Vì mang màu sắc dân dã giang hồ nên biểu hiện của chữ nghĩa trong Thủy hử cũng có hơi hướng giang hồ như vậy. Trước hết là chữ nghĩa mà những người hảo hán dành cho nhau. Người đọc không thấy được cảnh kết bái vườn đào đẹp một cách lãng mạn như trong Tam Quốc diễn nghĩa mà ta chỉ thấy hình ảnh những người anh hùng hảo hán vì mến tài nhau, vì cùng chung chí hướng mà cắt máu ăn thề, hòa chung giọt máu vào bát rượu kết bái huynh đệ.

Đạo Khổng vốn rất đề cao đằng cấp, thứ bậc trong xã hội. Nho giáo duy trì trật tự xã hội bằng chữ nhân và bằng việc việc phân chia rạch ròi thứ bậc cùng với đó là lễ tiết giữa những giai tầng trong xã hội với nhau. Tuy nhiên, 108 người anh hùng mỗi người một xuất thân nhưng khi họ đã tụ nghĩa với nhau, cùng cắt máu ăn thề trước Trung Nghĩa Đường, thì tất cả đều là anh em một nhà, không còn phân biệt xuất thân, không phân biệt hoàn cảnh. Cái tấm lòng dân dã, cái nghĩa khí giang hồ mà những người anh hùng dành cho nhau là ở chỗ đó. Nó xóa nhòa đi ranh giới đẳng cấp trong xã hội, đưa những người anh hùng tiến lại gần nhau hơn.

Đến hành động nghĩa khí của những hảo hán Lương Sơn cũng mang đậm màu sắc hiệp nghĩa dân gian. Người nghĩa sĩ giang hồ vì huynh đệ quên thân, người nghĩa sĩ giang hồ thấy bất bình dẹp loạn. Họ có những hành động “cướp của người giàu chia cho người nghèo” đúng như phong cách của người anh hùng dân gian “thế thiên hành đạo”. Nhờ vậy, tư tưởng trung nghĩa trong Thủy hử truyện không còn là tư tưởng một chiều, tuyệt đối hóa như trong Tam Quốc diễn nghĩa mà đã hòa quyện với tư tưởng dân gian để làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm và làm cho hình ảnh người anh hùng trở nên gần gũi, có hồn hơn.

Mà chính vì màu sắc dân gian trong quan niệm về người anh hùng của Thi Nại Am đã dấn đến việc quan niệm đó còn khác biệt với quan điểm chính thống ở sự bản năng; hành động của những người anh hùng hảo hán nhiều khi mang tính cực đoan, thậm chí là có phần phi nhân tính. Đúng như Lỗ Tấn đã nhận xét rằng họ trả thù quan lại, địa chủ, cường hào nhưng cũng thường xuyên quấy nhiễu nhân dân. Bởi bản chất của nghĩa quân Lương Sơn vốn dĩ là lạc thảo, là cướp bóc.

Trong truyện, không ít lần ta bắt gặp cảnh lữ khách vào nghỉ ngơi tại khách điếm do những người hảo hán mở ra bị đánh thuốc mê, bị cướp bóc, bị giết hại xẻ thịt làm đồ ăn, đồ nhắm. Từ hàng rượu cạnh đầm nước Lương Sơn do Chu Quý làm đầu lĩnh đến hàng rượu của Cố đại tẩu cũng chuyên giết người lấy của, lấy thịt. Không biết đã có bao nhiêu bậc hảo hán suýt mất mạng, những người lữ hành hiền lành tử tế bị chết oan trong những khách điếm, quán rượu này. Cá biệt, trong nghĩa quân Lương Sơn có một vị tướng mà giết người với anh ta dường như là một bản năng, một thú vui, đó chính là Lý Quỳ.

Trong số những con người bị hảo hán Lương Sơn giết hại, biết bao con người đã chết oan, đã bỏ mạng một cách không đáng có. Anh hùng hảo hán Lương Sơn dùng sức mạnh trấn áp cường quyền, bảo vệ kẻ yếu nhưng quả thực cũng không ít lần, họ dùng cái dũng của mình  để lạm sát kẻ yếu chỉ bởi những con người đó sống tại nơi của kẻ thù họ.

Anh hùng hảo hán Lương Sơn nhân nghĩa, trọng nghĩa khinh tài nhưng lòng nhân nghĩa đó chỉ dành cho kẻ yếu, cho những người hảo hán với nhau. Còn với kẻ thù của họ, họ sẵn sàng lạm sát, đào tận gốc, trốc tận rễ gia đình kẻ thù. Không chỉ vậy, vì muốn kêu gọi hảo hán đến tụ nghĩa, không ít lần những con người đứng đầu thủy bạc Lương Sơn đã sử dụng mưu mẹo hại họ, khiến họ không còn đường lui mà Mã quân hổ tướng Tích lịch hỏa Tần Minh là một trong những ví dụ điển hình.

Nhưng thiết nghĩ, xét trong hoàn cảnh xã hội của câu chuyện,  bối cảnh lịch sử đầy biến động vào cuối thời Nguyên, đầu thời Minh mà Thi Nại Am sống, quan niệm anh hùng phi chính thống, “không chú trọng cái nghĩa của chuẩn tắc đạo đức” của những hảo hán Lương Sơn lại mang tính chất phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đồng thời có ý nghĩa riêng. Những hành động đó của người hảo hán vừa là hành động tự bảo vệ mình trước hiện thực xã hội rối ren đầy biến động, vừa là sự phản kháng của họ trước thực tế lại vừa là ước mơ, hi vọng của những con người thấp cổ bé họng. Hay đó cũng chính là khát vọng của tác giả, một con người vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho gia, cũng vừa khát cầu các điểm phi chính thống về những con người như “Cập thời vũ” – cơn mưa kịp thời, tưới mát những cán đồng khô cằn, tưới mát tâm hồn những con người dưới đáy sâu xã hội .

Link mua sách:

  • Lazada: https://shorten.asia/WakzKk9h
  • Fahasa: https://shorten.asia/AnCJpZ8W
  • Mọt Mọt
Cập nhật lúc 20:19 - 12/01/2025
Sách cùng chủ đề

Bình luận