Breaking bad là bộ phim kể về thầy giáo hóa học và sự tha hóa biến chất của ông trong năm mùa phim, từ một người lương thiện vì tiền vì mưu sinh mà sẵn sàng trở thành một ông trùm tội phạm khét tiếng. Ở Việt Nam tuy chưa có một bộ phim để đời như TV show của người Mỹ, tuy nhiên ở phương diện văn học, Vũ Trọng Phụng đã khai sinh ra Giông Tố từ cách đây hơn 80 năm trước, cũng là một phiên bản “tha hóa” không hề kém cạnh. Ở Giông Tố, chỉ vì tiền người ta sẵn sàng bất tín, sẵn sàng tha hóa đến cùng cực, đó y hệt như tấn thảm kịch trong một môi trường mà tiền bạc có thể chi phối tất cả!
“Giông tố” đăng trên Hà Nội báo từ số 1 (2/1/1936) đến số 11 (18/3/1936) thì bỗng dừng lại 7 tuần lễ. Nghe nói tờ báo đăng tải tác phẩm dính phải lùm xùm vì đụng đến một vị tai to mặt lớn đương thời. Khi tác phẩm đăng tiếp thì phải đổi tên thành Thị Mịch. Năm 1937, NXB Văn Thanh in tác phẩm thành sách, lấy tên gốc là “Giông tố”.
Như vậy cái tên ngay từ đầu đã là “Giông tố” – một cái tên rất đúng với tinh thần của tác phẩm – xã hội thuộc địa nửa phong kiến được phản ánh trong cuốn tiểu thuyết là một xã hội đương trong cơn giông tố, mà trong lòng mỗi người của xã hội cũng trải qua cơn giông tố của đời mình. Tất cả đều đảo điên, đều tanh bành, lật tẩy mọi thứ mặt nạ đắp điếm lên cái bản chất bất công, đểu giả, thối nát và hết sức vô nghĩa lý của xã hội mà đồng tiền có thể chi phối tất cả – xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc.
Cuốn tiểu thuyết tả chân đầy sáng tạo và bất ngờ với nhiều vòng xoắn cốt truyện.
“Giông tố” bắt đầu bằng một vụ cưỡng-dâm-thô-bạo-có-trả-tiền.
Trong khi Xuân Tóc Đỏ mở màn “Số đỏ” một cách đĩ thõa với hình ảnh chim chị hàng mía, bằng hành động sấn sổ đưa tay ra toan cướp giật ái tình… Còn “Giông tố” lại ra mắt người đọc bằng một cuộc hiếp dâm của doanh gia triệu phú Tạ Đình Hách, trong một chiếc xe hòm, dưới một đêm trăng to tròn sáng vằng vặc, mà đối tượng là cô gái quê Thị Mịch đang trên đường gánh rạ về làng.
Có lẽ bởi vậy mà Tự lực văn đoàn, điển hình là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã chê Vũ Trọng Phụng là “dâm ô”, hay Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong gọi văn chương của văn sĩ họ Vũ là “dâm uế”.
Vũ Trọng Phụng đáp trả trên Hà Nội báo, số 38, ngày 23/9/1936:
“Cái dâm tự nó không uế, nếu nó không loạn. Cái dâm của cặp vợ chồng chẳng hạn thì chỉ là sự thường như sự ăn uống, không có gì là uế tạp, nhơ bẩn mà lại còn là điều thanh tao, cao thượng nữa, song người ta không cần tả đến, vì nếu nói đến tất nhiên là khiêu dâm. Song còn những thứ dâm đáng gọi là uế, thí dụ hiếp dâm, gian dâm, loạn luân, nghĩa là những thứ dâm của hạng nam nữ mà không là vợ chồng. Nhà văn sĩ tả chân có quyền và có bổn phận tả những điều ấy, mặc lòng đó là những thứ dâm uế tạp, nhơ bẩn; khi tả một cuộc dâm loạn bẩn thỉu, ô uế thì là đến chỗ hoàn toàn của nghệ thuật rồi.”
Trong “Giông tố”, văn sĩ tả chân họ Vũ đã tả tất cả những thứ dâm “đáng gọi là uế” là hiếp dâm, gian dâm và loạn luân. Mà đặc tả nhất là cái dâm đãng trong sự phú quý như cái dâm của Nghị Hách – đây là một trong “ba việc phải làm” mà Vũ Trọng Phụng đã tự vạch ra cho mình (một văn sĩ tả chân) khi đứng trước tệ nạn mại dâm của xã hội. Hai việc còn lại là tả cái dâm của người con gái đến tuổi dậy thì mà không được giáo dục một cách đầy đủ, tức là chuyện “Làm đĩ”, và tả những nỗi thống khổ do sự nghèo đói gây nên, tức là nạn mại dâm trong phóng sự “Lục xì”.