‘Chúng ta là cái gì ? Con người ? Thú vật ? Hay một lũ mọi rợ ?’ Đó không chỉ là nỗi sợ hãi của Piggy – cậu bé nhút nhát nhưng tỉnh táo nhất trong truyện khi nhìn thấy những người văn minh lần lượt xuống cấp, trở thành một loài vật máu lạnh ; đó còn là trăn trở của nhà văn William Golding khi viết nên tác phẩm tưởng chừng tươi sáng, đầy tính phiêu lưu nhưng thực chất lại ẩn chứa một thực tế đen tối và đáng sợ như ‘Chúa Ruồi’.
Xuất bản cách đây hơn nửa thế kỷ, vào năm 1954, nhưng những thông điệp sâu sắc ẩn sau bi kịch khốc liệt của ‘Chúa Ruồi’ vẫn còn nguyên giá trị. Cuốn sách gây được tiếng vang lớn không chỉ vì được sáng tác bởi một tác giả đoạt giải Nobel, mà còn vì nó đề cập đến một góc nhìn tăm tối về bản chất con người.
Truyện bắt đầu bằng vụ tai nạn máy bay khiến một đám trẻ con bị kẹt lại trên hoang đảo. Motif này khiến người đọc dễ dàng liên tưởng đến những tiểu thuyết phiêu lưu kỳ thú ca ngợi ý chí của con người như Robinson Crusoe, trong đó nhân vật chính cũng lạc đến một nơi hoàn toàn lạ lẫm, phải dựa vào trí thông minh và lòng quả cảm để sinh tồn, đồng thời cũng học được nhiều điều thú vị và kết thân với những người bạn mới. Quả thật bối cảnh ban đầu của ‘Chúa Ruồi’ cũng tươi sáng và đầy tính phiêu lưu giống như vậy. Ngoại trừ không có người thì hoang đảo mà bọn trẻ đang ở hội tụ đầy đủ yếu tố của một môi trường sống lý tưởng – biển xanh, cát trắng, nắng vàng, rừng rậm xanh mát, núi non hùng vĩ. Và bọn trẻ, dù đứa lớn nhất chỉ mới 12 tuổi, cũng chẳng phải chỉ biết khóc lóc khi bị bỏ rơi, mà vô cùng thông minh, táo bạo và tháo vát – đúng kiểu nhân vật chính của dòng truyện phiêu lưu. Hơn mười đứa trẻ con cùng mang văn minh đến hoang đảo, cùng tạo lập xã hội trật tự một cách đáng ngạc nhiên. Dù vẫn có bất đồng về cách phân chia công việc, bọn trẻ, nhất là những đứa lớn, vẫn hợp tác với nhau vui vẻ, nghiêm túc họp hành, bàn luận về cách giải quyết vấn đề, tuyệt đối tôn trọng thủ lĩnh, tôn trọng nền dân chủ. Nửa đầu cuốn truyện sẽ khiến độc giả phải ồ lên kinh ngạc.
Thật khó mà tưởng tượng ra một cộng đồng toàn trẻ con nào có thể quy củ và kỷ luật hơn thế!
- Ông già và biển cả của Hemingway
- Đồi gió hú – phiên bản kinh điển của một tình yêu trần trụi, dữ dội và đầy ám ảnh
Nhưng rồi cuộc phiêu lưu trên hoang đảo, sau những điều thú vị và mới mẻ, là sự trỗi dậy của một con ‘quái vật’, là nước mắt và máu, là sự xuống cấp, là nỗi sợ hãi chính con người. Dù cuối cùng thân xác bọn trẻ cũng được đưa về đất liền, tâm hồn chúng đã mục rữa. Sự hồn nhiên vĩnh viễn mất đi chính là cái giá quá đắt mà đám trẻ phải trả trong suốt chuyến hành trình ban đầu ngỡ là kỳ thú này.
Những đứa trẻ sa ngã trong cuộc gặp gỡ với cái Ác của chính mình
Con người, từ trong bản chất, là một loài động vật, có cả phần ‘con’ và phần ‘người’. Từ lúc có mặt trên đời, loài người đã mang trong mình đói khát, dục vọng, sợ hãi, ham muốn thống trị và quyền lực, v.v. – những bản năng nguyên thuỷ nhất từ tổ tiên của mình.
Tuy nhiên, trong thế giới mà chúng ta đang sống, đạo đức và luật lệ mới là chuẩn mực xã hội. Chúng ta được giáo dục để tuân theo luật pháp; được dạy rằng không có quyền giết hại ai chỉ vì những thù ghét cá nhân, rằng chiếm đoạt quyền lợi của người khác là điều sai trái.
Khi còn chưa hiểu chuyện, ta có thể cảm thấy không phải lời dạy dỗ nào cũng lọt tai, bức bách vì không được sống bản năng như mình muốn, nhưng vẫn phải miễn cưỡng không làm trái với luật pháp. Vì lẽ đó, luật lệ và đạo đức giữ bản năng của loài người trong vòng kiểm soát, kiềm hãm cái ác, tạo nền tảng cho cái thiện nảy mầm. Phần lớn chúng ta đã thành người lương thiện sau một quá trình như thế.
Nhưng cái ác trong ta không hề mất đi, mà chỉ bị xiềng xích dưới những đạo lý. Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, lớp bảo vệ mỏng manh của nền văn minh không còn nữa, đối diện với bản năng đã được trả tự do trong chính mình, con người sẽ ra sao? Liệu loài người có đủ bản lĩnh để tiếp tục sống lương thiện khi không còn ai trừng phạt không? Liệu chúng ta có đủ mạnh mẽ để giữ lại phần ‘người’ của mình không ?
William Golding đã để cho những đứa trẻ đối mặt với thách thức tương tự, khi chúng rơi xuống một hòn đảo hoang sơ không người.
Bọn trẻ chính là những người đại diện cho nền văn minh, vốn được giáo dục rất tử tế. Ở nửa đầu câu chuyện, chúng hội họp, bầu cử, phân chia nhiệm vụ, thiết lập cả một trật tự xã hội trên hoang đảo. Thoạt nhìn, độc giả sẽ vô cùng ấn tượng bởi cung cách làm việc chín chắn và lịch thiệp của đám trẻ.
Nhưng càng về sau người ta mới vỡ lẽ ra, lũ trẻ chỉ là những sinh vật bản năng và yếu đuối. Chúng chưa biết đến sự tồn tại của cái ác, chỉ đơn giản là quen sống với cái thiện, trong khi vẫn còn quá nhỏ để thấu suốt được ý nghĩa thực sự của văn minh và luật pháp. Chúng chỉ biết rằng, muốn sống yên ổn thì phải vâng lời cha mẹ thầy cô, tuân theo luật lệ và các chuẩn mực đạo đức, vì những kẻ bất tuân đều phải nhận lấy sự trừng phạt. Vậy nên, thói quen làm người lương thiện vẫn tiếp diễn trong những ngày đầu tiên bọn trẻ ở trên hoang đảo.
Tuy nhiên, thói quen đó đã không tồn tại lâu dài. Khi cái ác không còn bị kìm kẹp trong luật pháp của một thế giới văn minh, nó hiện ra và từng bước cám dỗ những đứa trẻ. Bỗng chốc, bọn trẻ phát hiện ra mình có một quyền năng ghê gớm. Ở cái hoang đảo này, chúng là loài mạnh nhất, có quyền tự do tuyệt đối, mọi việc đều có thể tự làm chủ. Không có nguyên tắc, không có cái gì gọi là nền tảng đạo đức hay pháp luật, không còn thế lực nào cấm cản hay trừng phạt nữa.
Những đứa trẻ dần ý thức được rằng chúng có nhiều hơn là lựa chọn sống một cuộc đời tử tế như đã từng biết. Đây chính là lúc cái thiện và cái ác được công khai đặt lên bàn cân, và cái thiện không còn được bảo vệ, đơn thương độc mã trong cuộc chiến sống còn với cái ác.
Lần đầu tiên đối mặt với bản năng tự do sau bao năm sống với lý trí giành quyền kiểm soát, con người hào hứng xem nó như một thú vui mới mẻ. Bọn trẻ, suy cho cùng, cũng chỉ muốn thoả mãn ham muốn của mình một chút, tận dụng cơ hội để trải nghiệm những thứ mà chúng chưa có dịp làm, cốt để được vui chứ chưa hề có ác ý nào cả. Điển hình là, những đứa trẻ muốn tự tay săn heo rừng, vì thịt ăn ngon hơn, vì ăn trái cây đã chán rồi, và trải nghiệm săn bắn dĩ nhiên khiến cái bản năng phiêu lưu và chinh phục trong chúng được thoả mãn.
Nhưng ngay khi được cắm lao vào người một con vật, cắt đầu, xẻ thịt nướng trên lửa, dục vọng hoang dã trong những đứa trẻ bắt đầu lớn mạnh hơn bao giờ hết. Chúng trở nên nghiện săn bắn, giết chóc vì niềm vui và chứng tỏ năng lực bản thân với những đứa khác. Giết một sinh vật khiến đám trẻ thấy mình tràn đầy sức mạnh, khiến chúng như chúa của cả hoang đảo.
Bản năng vốn là một công cụ sinh tồn. Bản năng được thoả mãn ở mức độ vừa phải khiến con người hạnh phúc một cách lành mạnh. Nhưng vượt qua mức độ đó, bản năng trở thành cái ác, tước đoạt đi sự thiện lương của đám trẻ. Điều đáng sợ nhất là, bọn trẻ không nhận ra bản thân mình đang dần trở thành cái gì. Chúng không ngay lập tức từ những nam sinh được gia giáo tử tế biến thành mọi rợ. Sau mỗi lần đi săn, sự tha hoá chỉ tăng lên một chút. Chính cái từ tốn chậm rãi đó là thứ nguy hiểm nhất, vì lũ trẻ thích nghi được với những thay đổi của mình, trong khi không hề nhận ra mình đang xa rời cái thiện như thế nào.
Ban đầu, một đứa trẻ thậm chí chẳng dám phóng lao làm chết con heo rừng. Dù có máu phiêu lưu mãnh liệt, hành động giết chóc như vậy khá xa lạ với thế giới văn minh mà nó từng biết.
Nhưng vượt qua tất cả nghi ngại, thằng bé cuối cùng cũng giết được con heo đầu tiên.
Nó thấy thật hả dạ. Nó muốn tiếp tục giết con thứ hai, thứ ba.
Như một trò chơi tăng dần cấp độ, đám trẻ miệt mài giết hết con này đến con khác. Và chúng không bao giờ tưởng tượng được rằng, đến một ngày nào đó, trò chơi tiến đến mức độ cao nhất.
Chúng giết người.
Sự xuống cấp của nhân tính: hình tượng con quái vật và lối sống nguỵ trang
Con quái vật là một phép ẩn dụ vô cùng tinh tế của Golding được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt trong tác phẩm. Nó xuất hiện qua lời nói của nhiều đứa trẻ khác nhau. Nó làm dấy lên những mối nghi ngờ và kinh hãi.
Đáng sợ ở chỗ là, con vật này không ăn thịt bọn trẻ. Nó khiến cho chính lũ trẻ ăn thịt lẫn nhau. Từng bước một, nó phơi bày mầm mống của những mâu thuẫn và bản chất ẩn giấu sau sự tử tế của từng đứa trẻ. Nó khiến những cuộc hội họp dân chủ trở thành những cuộc cãi vã và công kích. Nó thổi bùng lên ham muốn chinh phục để thống trị. Nó là cái cớ để Jack hạ bệ thủ lĩnh hiện tại là Ralph, thoả mãn tham vọng quyền lực của mình. Dù chẳng bao giờ trực tiếp giết hại ai, con quái thú trở thành nguồn cơn của mọi nỗi kinh hãi, xung đột phe phái, giết chóc man rợ và sự tha hoá trong nội bộ đám trẻ.
Những nam sinh được giáo dục chu đáo ấy, mải mê đuổi theo một con quái vật tưởng tượng mà không hề biết đến sự tồn tại của một con quỷ dữ khác, lớn mạnh hơn, trong bản thân mình. Chúng nghĩ con quái thú là thứ có thể săn đuổi. Chúng nhạo báng Simon khi cậu bé tuyên bố rằng con vật gây kinh hãi có khi chỉ là phần đen tối nhất, dơ bẩn nhất trong mỗi con người. Và cứ như vậy, con quái thú giấu mặt khiến bọn trẻ sa vào vũng lầy tha hoá không lối thoát. Khi nó cuối cùng cũng được nhìn thấy, cũng là lúc con ‘quái vật tâm hồn’ trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết, giết chết toàn bộ nhân tính còn sót lại trong phần lớn những đứa trẻ.
Ngay khi đám trẻ thợ săn quyết định vẽ màu lên mặt, nguỵ trang để chính thức làm người của hoang đảo, cũng là lúc cái tha hoá đạt đến cực điểm. Lớp màu vẽ là cột mốc đánh dấu sự chuyển sang chủ nghĩa mọi rợ, đánh dấu sự hoàn toàn từ bỏ hy vọng về nhà. Những mảng màu xanh đỏ chính là chiếc mặt nạ, khiến bọn trẻ hoà lẫn vào nhau, không còn nhận ra đứa nào nữa. Vậy nên, dù có giết người hay làm bất cứ hành động dã man nào cũng không ai biết là ai đã làm, và vì lẽ đó, lương tâm cũng không cần phải cắn rứt nữa. Phần ‘người’ đã hoàn toàn mất đi, từ đây chỉ còn lại phần ‘con’ với những bản năng sinh tồn cơ bản nhất.
Golding đã rất tài tình khi sử dụng chi tiết mang tính hình tượng trên để lột tả bức màn u ám của cái ác che mờ đi nhân tính của những đứa trẻ. Khi đã mang trên người chiếc mặt nạ, bọn trẻ hoàn toàn từ bỏ nhân dạng con người của chính mình.
Đầy tính nhân văn, phản ánh sâu sắc thực tại và bản chất con người
‘Chúa Ruồi’ viết về những đứa trẻ con, nhưng hoàn toàn không phải là một cuốn truyện thiếu nhi thuần tuý. Nó đáng được đọc bởi bất kỳ ai ở độ tuổi nào, vì nó phơi bày bản chất của toàn thể loài người chúng ta. Những chương sách chậm rãi từ hồn nhiên, trong sáng đến ngột ngạt, u tối hẳn sẽ khiến vài độc giả giật mình tự vấn lại chính bản thân mình.
Vì xã hội trật tự văn minh hiếm khi cho ta cái cơ hội được khám phá những mảng tăm tối nhất trong bản chất con người, Golding đã, thông qua một ‘Chúa Ruồi’ đầy những phép ẩn dụ hãi hùng và ám ảnh, cho ta thấy tương lai khả dĩ của loài người khi mọi chuẩn mực đạo đức và luật lệ đều biến mất. Tác giả đã rất tài tình và sâu sắc tạo dựng nên hình ảnh con người trong bối cảnh hoang đảo: mạnh mẽ, quả cảm trước những con ‘quái vật’ của thiên nhiên nhưng trần trụi, yếu đuối và bất lực khi đối diện với chính con quỷ dữ của mình. Bằng những chi tiết về cuộc đi săn của đám trẻ, nhà văn khắc hoạ vô cùng sống động vòng xoáy chết chóc của sự buông thả: một chút vượt quá giới hạn ban đầu tích luỹ dần thành sự tha hoá không lối thoát.
Nhưng trên hết, hoang đảo chỉ là một bối cảnh đặc biệt để người đọc hình dung một cách rõ ràng thông điệp của tác giả. Câu chuyện như trong ‘Chúa Ruồi’, không phải sống trên hoang đảo thì mới có thể xảy ra, mà phản ánh thực tại ngay cả trong xã hội văn minh mà chúng ta đang sống. Mỗi mầm mống thói quen xấu của con người, dù nhỏ nhặt và không đáng kể đến đâu, cũng sẽ có ngày bùng lên thành một tội ác, và kết cục của loài người rồi cũng sẽ giống như những đứa trẻ kia. Có những người nhằm vào lỗ hổng của luật pháp mà gian lận một chút, ích kỷ một chút, tham lam một chút. Dù mỗi ngày không xấu xa hơn bao nhiêu, nhưng rồi một ngày nhìn lại, họ giật mình thấy mình đã là một con người nào đó khác, một người mà trước đây, trong những giấc mơ điên rồ nhất, họ chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật mang tính biểu tượng cao
Suy rộng ra, Golding đã rất tinh tế khi để cho những nhân vật trong ‘Chúa Ruồi’ đại diện cho những thành phần khác nhau trong cuộc chiến muôn thuở trong mỗi con người.
Jack và nhóm thợ săn tượng trưng cho những bản năng cổ xưa của loài người. Trong chúng chứa đầy ham muốn và dục vọng. Chúng khao khát quyền năng, sự thống trị, giết chóc và đe doạ. Chúng chỉ cần được thoả mãn. Chúng không cần nhân tính và cũng không sợ bất kỳ ai.
Piggy là biểu tượng của lý trí – phẩm chất khiến con người trở nên khác biệt với tất cả các loài khác. Và cũng vì thế, Piggy lúc nào cũng như con chim lạc đàn. Cậu bé là người thông minh, thực tế và tỉnh táo nhất, luôn xem xét vấn đề một cách thấu đáo. Nhưng cũng như lý trí – được hình thành ở vỏ não mới chỉ gần đây và không thể hoàn toàn lấn át bản năng được điều khiển bởi những vùng não cổ đã tiến hoá hàng triệu năm trước – Piggy nhút nhát, sợ hãi và luôn bị những đứa còn lại, điển hình là Jack, bắt nạt và đe doạ.
Và Ralph chính là hiện thân hoàn hảo của một sinh vật đứng giữa ngã ba đường, chứng kiến và trải qua từng cuộc chiến nhỏ trong cuộc đấu tranh vĩ đại giữa nhân tính và bản năng của con người.
Những ngày đầu trên đảo, không khó để nhận ra Ralph rất thích chơi với Jack. Hai đứa trẻ có nhiều điểm tương đồng về tính cách. Jack cũng là đứa trẻ rất thú vị, có máu phiêu lưu và quyết đoán, là ứng cử viên thứ hai cho vị trí lãnh đạo và nổi trội hơn hết về quyền lực so với những đứa trẻ còn lại. Dù có hơi ngạo mạn một chút, Jack lúc này vẫn là một đứa trẻ lịch thiệp và hiểu chuyện. Ngược lại với Jack, Piggy chỉ là đứa trẻ chậm chạp, phải phụ thuộc vào cặp kính cận, hay nói những thứ khoa học cao siêu nhưng chán phèo. Vậy nên, Ralph dường như chẳng có hứng thú gì với người bạn này.
Đây chính là loài người trong giai đoạn đầu khám phá bản năng của mình. Bản năng cho ta những cảm giác thật thú vị, và vì thế, con người luôn ưu ái nuông chiều nó. Bản năng lúc này rất đúng mực và còn vô hại, vì vậy chưa khiến người ta gây ra chuyện gì trái đạo đức. Vừa được phiêu lưu với những thứ mới mẻ, vừa không làm gì trái đạo, lẽ dĩ nhiên phần lớn con người sẽ ngiêng về phía bản năng cốt để sống một đời vui vẻ. Và vì lẽ đó, họ thường xuyên gạt qua một bên lý trí của mình.
Nhưng như đã nói ở trên, bản năng không dừng lại đúng mức cho phép. Ham muốn của nó là tột cùng. Và Jack cũng vậy. Sau một loạt xung đột nhỏ, Ralph dần nhận thấy nó và Jack không còn đồng lòng nữa. Quan hệ giữa hai đứa trẻ cũng ngấm ngầm rạn nứt. Ralph bắt đầu nhận ra sự khôn ngoan của Piggy và lắng nghe lời khuyên của cậu bé nhiều hơn.
Đó là con người chúng ta sau một thời gian sống thoải mái, với dục vọng luôn được thoả mãn. Ta lờ mờ nhận ra có gì đó không ổn. Bản năng không còn khiến ta vui vẻ trong an toàn nữa. Nó đòi hỏi ngày càng nhiều hơn, và những yêu cầu của nó trở nên quá quắt hơn. Con người bắt đầu cố gắng rời xa nó, nỗ lực dùng đến lý trí để suy xét nhiều hơn.
Nhưng bản năng lúc này đã được nuôi dưỡng sau một quá trình dài, và không dễ gì chối bỏ được. Khi không còn được nuông chiều nữa, nó công khai xung đột với chính con người, chống lại sự thuận theo lý trí và từng bước hành hạ, buộc con người phải trao quyền kiểm soát cho nó. Kết cục của Ralph ở cuối truyện chính là lúc con người vùng vẫy trong vô vọng để thoát ra khỏi bản năng, giữ lại chút lương tâm còn sót lại cho mình.
Nhân vật Ralph được Golding xây dựng vô cùng sinh động như một đại diện cho loài người trong cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Không giống như Piggy luôn lý trí hay Simon luôn nhạy cảm và thấu suốt, Ralph đã từng mang những thành kiến, từng bất lực, từng bị cám dỗ, mắc kẹt trong những xung đột giữa bản năng và lý trí, nhưng cuối cùng vẫn mạnh mẽ sống như một con người. Ralph từng xem thường đứa trẻ lý trí và khôn ngoan là Piggy. Ralph suýt nữa thì trở thành thợ săn như Jack vì bị cái cảm giác đầy sức mạnh khi phóng lao vào một con heo rừng cám dỗ. Ralph cũng từng không tin Simon khi nghe quan điểm của cậu bé về con quái vật. Nhưng sau tất cả, Ralph là người duy nhất khóc cho những đứa trẻ đã chết; là một trong số ít ỏi những cậu bé không chấp nhận cuộc sống tha hoá, vẫn nuôi hy vọng về nhà, về với thế giới văn minh của loài người, và quan trọng nhất là không khuất phục chủ nghĩa mọi rợ, kiên cường bảo vệ nhân tính của mình.
‘Chúa Ruồi’, tưởng như là một câu chuyện đen tối, cuối cùng vẫn mở ra một lối thoát. Những đứa trẻ thoát khỏi sự tha hoá, dù chỉ chiếm thiểu số, chính là điểm sáng trong truyện, là niềm tin của Golding vào sức mạnh của cái thiện trong con người. Con người có thể sa ngã, có thể sai lầm, có thể bị đe doạ và hành hạ bởi dục vọng và cái ác nội tại, nhưng một khi phần ‘người’ trong ta còn đủ lớn, ta sẽ có đủ bản lĩnh để nhìn thấu tương lai tối tăm của chính mình, để giật mình tỉnh ngộ và bắt đầu lại, như một con người.
Link mua sách:
- thuviensach.org: https://shorten.asia/57zdTxtM
- Fahasa: https://shorten.asia/3urr7Ncn
- Lazada: https://shorten.asia/XyVR2SwQ
- Shopee: https://shorten.asia/Pn7HA2GC