Xuất bản năm 2018, “Nguồn cội” – phần thứ 5 trong series Robert Langdon – tiếp tục trở thành một tiểu thuyết ăn khách của Dan Brown. Quyển sách liên tục lọt top best-seller (sách bán chạy nhất) ở nhiều quốc gia, chứng minh sức hút không hề suy giảm của nhà văn này trên thế giới.
Vẫn là một chủ đề nóng được quan tâm khắp toàn cầu; là những vụ án bí ẩn, những cuộc chạy đua kịch tính và nghẹt thở; là một kho kiến thức đồ sộ về biểu tượng học, sinh học, vật lý, hóa học và tôn giáo; là văn phong trau chuốt quen thuộc mang đậm chất Dan Brown; là những thông điệp nhân văn khiến người ta vừa đọc vừa mỉm cười vì thế giới này, dù cho bao nhiêu biến cố xảy ra, vẫn vô cùng đẹp đẽ; nhưng ở “Nguồn cội”, người đọc sẽ nhận ra rằng motif câu chuyện có một chút mới mẻ hơn, khác biệt hơn, so với những tác phẩm trước của nhà văn này.
Truyện bắt đầu bằng buổi nói chuyện được phát trên toàn thế giới của Edmund Kirsch – nhà khoa học máy tính, nhà tiên tri và tỷ phú vô thần nổi tiếng – ở bảo tàng Guggenheim Bilbao (Tây Ban Nha) nhằm tuyên bố một phát kiến mang tính cách mạng nhất của thời đại. Tuy nhiên, ngay trước khi công bố khám phá của mình, ông đột ngột bị ám sát. Kẻ thủ ác được tiết lộ sau đó là Avilá, làm việc dưới sự chỉ đạo của một Nhiếp chính vương bí ẩn – người tự xưng là thành viên của một giáo hội, cũng là người cho hung thủ biết tin vụ ném bom thảm sát cả gia đình hắn có dính líu tới Kirsch. Trước đó, Avilá còn là kẻ đứng đằng sau cái chết của một trong ba vị lãnh tụ đứng đầu Quốc hội Tôn giáo Thế giới.
Giáo sư biểu tượng học Robert Langdon – khách mời đặc biệt với tư cách là thầy giáo cũ của Edmund Kirsch – được trợ lý của nhà tỷ phú là Winston tiết lộ rằng tên sát nhân được thêm vào cuối cùng trong danh sách khách tham dự bởi chỉ thị của Cung điện Hoàng gia. Ông thuyết phục Ambra Vidal – hôn thê của Thái tử Julian và cũng là người bạn thân đã giúp Kirsch tổ chức sự kiện ở bảo tàng – bỏ trốn cùng mình, vì không thể tin tưởng người của Hoàng gia được nữa. Với sự giúp đỡ của Winston, Robert và Ambra quay về nhà riêng của Kirsch ở Barcelona, trong sự truy đuổi gắt gao của Cung điện, nhằm tìm ra mật mã mở khóa bài phát biểu và thay Kirsch hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của ông – công bố nó ra toàn thế giới.
Nhưng sau tất cả, vị giáo sư kinh hoàng nhận ra rằng, phát kiến của Edmund Kirsch và sự mập mờ của Hoàng gia không phải là bí mật duy nhất trong chuyến hành trình đầy bão tố này.
Xem thêm:
Pháo đài số: Bí mật đằng sau những dãy mật mã
Điểm dối lừa: Khi cả câu chuyện chỉ là sự lừa dối
Thiên thần & ác quỳ: Khi khoa học và tôn giáo nên chung sống trong hòa bình
Đề tài táo bạo và đáng suy ngẫm
Trái Đất của chúng ta, từ lúc khởi thủy, cũng như bao hành tinh khác: không có gì ngoài vật chất vô tri, ngoài những quy luật vật lý và hóa học đã tồn tại từ 13 tỷ năm nay trong vũ trụ.
Vậy thì sự sống đã khởi nguồn từ cái gì, trong một điều kiện rất phi sinh học như vậy? Rốt cuộc thì nó có ý nghĩa nào không, và tương lai của nó sẽ như thế nào?
Đó không còn là những câu hỏi khoa học thông thường mà người ta thường tìm thấy trong “10 vạn câu hỏi vì sao”. Đó là một bí ẩn vĩ đại – bí ẩn đã khơi gợi trong bao nhiêu thế hệ sự tò mò đến tột đỉnh và khát khao chinh phục suốt nhiều thế kỷ nay.
Một lời khen tặng cho sự can đảm của Dan Brown! Tìm cách giải quyết cả hai câu hỏi lớn của nhân loại: “Chúng ta bắt đầu từ đâu?” và “Chúng ta đang đi về đâu?” – quả thật ông đã rất táo bạo khi chọn đề tài vô cùng “khó xơi” này.
Những gì được viết trong “Nguồn cội” có thể không phải là câu trả lời duy nhất hay chính xác nhất, vì trên hết, ta không thể quay lại thời điểm sáng thế để thực hiện quan sát, và hầu hết những quá trình khả dĩ trong việc tạo ra sự sống đều chỉ được mô phỏng lại trong phòng thí nghiệm. Ngay cả các nhà khoa học cũng chưa thể thuyết phục hầu hết công chúng tin vào một thuyết nào đó, như cách người ta đã tin Trái đất quay quanh Mặt trời. Tuy nhiên, cách giải quyết vấn đề của Dan Brown không hề là võ đoán, mà hoàn toàn dựa vào những lý thuyết và thực nghiệm khoa học nổi bật nhất trong các lĩnh vực liên quan đến vấn đề này. Có tin tưởng hay không, thì độc giả hẳn cũng sẽ đồng tình rằng giả thiết được trình bày trong “Nguồn cội” là hoàn toàn khả dĩ và có cơ sở hợp lý, vượt ra ngoài những suy đoán lung tung thiếu thực tế.
Nhưng việc trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc và tương lai của chúng ta không phải là mục đích duy nhất của quyển tiểu thuyết. Quan trọng hơn hết, đó chính là cách mà Dan Brown để cho người đọc có được những suy ngẫm sâu sắc sau khi hiểu rõ hai vấn đề này.
“Chúng ta bắt đầu từ đâu?”: Câu hỏi hàn gắn nền hòa bình nhân loại, hướng tới mối quan hệ tương hỗ giữa khoa học và tôn giáo, và khơi gợi suy ngẫm về vai trò của con người
Hầu như mỗi tôn giáo đều có riêng một truyền thuyết cho nguồn gốc sự sống, một vị thánh để sáng tạo ra vũ trụ và hành tinh của chúng ta; tạo ra con người để trở thành chủ nhân của vạn vật.
Tuy nhiên, đôi khi người ta ghi chép lịch sử tôn giáo không chỉ vì sự kính sợ trước quyền năng của một vị thần, vì để cho hậu thế biết đến và ghi nhớ công ơn của Đấng Sáng tạo đó. Một số người, vì mục đích cá nhân, đã lợi dụng tôn giáo – lấy lý do rằng vị thánh của mình là cao quý nhất, là Đấng Toàn năng duy nhất đã tạo ra thế giới, và bất cứ ai chống lại tuyên bố này đều là báng bổ, là vô đạo, là đáng bị trừng phạt – để đồng hóa, tiêu diệt những người không theo phe mình, để bành trướng và thỏa mãn tham vọng quyền lực vô đáy của mình. Và một số người khác thì tin những phát ngôn sai lệch ấy một cách vô tội vạ, mù quáng cho rằng chỉ có điều mình tin tưởng mới là Chân lý duy nhất, gạt bỏ tất cả niềm tin của người khác, kết bè phái gây ra những xung đột tôn giáo dai dẳng và thảm kịch giết chóc, đe dọa tình hữu nghị của các dân tộc trên thế giới.
Vậy nếu như thực nghiệm cho thấy rằng sự sống được tạo ra không phải bởi thần thánh thì sao?
Khởi nguồn của sự sống quả thực là một điều kỳ diệu, và vì không thể lý giải được, người ta thường gắn liền nó với những truyền thuyết thần thoại huyền ảo. Nhưng có đọc hết những luận giải khoa học của “Nguồn cội”, ta mới thấy nó không hẳn là ngẫu nhiên, mà là một quy luật tất yếu không thể tránh khỏi của tạo hóa. Sự sống “không phải là đích đến cuối cùng của vũ trụ”. Vũ trụ có những trật tự riêng, vì vậy, tự nhiên chỉ đơn giản tạo ra sự sống với mục đích duy trì những định luật của nó một cách hiệu quả nhất. Tất cả các sinh vật, bao gồm cả con người, đều có chung một nhiệm vụ như thế.
Nếu ta biết rõ nguồn cội của mình, và mọi bằng chứng đều thuyết phục đến mức khó có thể chối cãi được, thì có cần thiết phải chiến tranh để xem vị thánh của ai nào mới là Đấng Toàn năng duy nhất đã tạo ra chúng ta, và vì lẽ đó, đe dọa hòa bình thế giới nữa không?
Đôi khi, tất cả những gì bạn cần làm là thay đổi góc nhìn của mình, để thấy sự thật trong đôi mắt của một người khác.
–Dan Brown, Nguồn cội-
Và thêm một vấn đề nữa, cơ sở khoa học này có phải là phát súng ân huệ cuối cùng cho tôn giáo không?
Hoàn toàn ngược lại! Trái với niềm tin thông thường, phát hiện này không những không hủy diệt, mà còn nâng tôn giáo lên một tầm cao mới.
Hiểu rõ nguồn cội của mình, như Robert Langdon đã bình luận về những tư tưởng của nhà thơ William Blake, chính là để xua tan những “tôn giáo u tối” – thứ niềm tin giả tạo thổi bùng chiến tranh nhằm thỏa mãn lòng tham và mưu cầu quyền lực của con người, để mở đường cho “tôn giáo khai sáng” – tôn giáo thực sự của tình thương và lòng nhân ái – phát triển. Những tranh cãi vô nghĩa bấy lâu nay về việc Chân lý của ai đúng – thứ đã phủ một bức màn đen lên ý nghĩa đẹp đẽ thực sự, làm xấu đi hình ảnh của niềm tin tôn giáo đích thực – bị bác bỏ nhờ sự hiểu biết đúng đắn về nguồn gốc muôn loài. Từ đây, những gì mà người ta thường nói về đức tin sẽ không phải là những kẻ cuồng tín, những xung đột mù quáng lệch lạc về Đấng Sáng tạo nữa, mà chính những đạo lý cao đẹp và vĩnh hằng của Chúa Jesus, của Đức Phật, cùng những học giả uyên thâm vĩ đại đã sáng lập nên những tôn giáo trên thế giới.
Ngoài ra, hiểu biết về nguồn cội còn khơi gợi cho con người những suy ngẫm về vai trò của bản thân mình. Ta nghiệm ra rằng loài người thực ra chẳng hề có thân phận cao quý nhất, cũng chẳng phải là cái rốn của vũ trụ. Suy cho cùng, con người cũng chỉ là một phần nhỏ nhoi của đa dạng sinh học; mục đích mà ta được sinh ra cũng giống như những sinh vật còn lại – những anh chị em của ta – chính là hợp sức phục vụ cho Mẹ Thiên nhiên.
Nhận thức được vị trí của mình trong vũ trụ, con người sẽ trở nên biết ơn nhiều hơn, khiêm nhường hơn, và không còn xu hướng coi mình là trung tâm, không còn có ý nghĩ ngạo mạn rằng tự nhiên và tất cả các loài khác đều phải phục vụ ta, hay cúi đầu kính nể trước sức mạnh của ta nữa.
“Chúng ta đang đi về đâu?”: Con người hay công nghệ mới là ưu việt hơn cả?
Con người hiện đang sống trong kỷ nguyên 4.0 – kỷ nguyên của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và những công nghệ tiên tiến nhất.
Kỹ thuật công nghệ chính là chìa khóa, và cũng là chỉ báo cho sự thành công và giàu có của thời đại này. Thay thế dần con người bằng máy móc, các công ty không chỉ đạt được năng suất sản xuất vượt trội, tiết kiệm được một khoản lớn chi phí nhân công, mà còn tránh được phần lớn rắc rối về xung đột nội bộ – vốn dĩ đã là bản tính của loài người.
Quả thật, xét về mặt hiệu suất làm việc, công nghệ hiện đại thực sự vượt trội hơn tất cả chúng ta. Chỉ bằng các thuật toán lập trình và tự động hóa, một chiếc máy đã có thể làm công việc của hằng trăm lao động. Ưu điểm lớn nhất của máy móc chính là tốc độ xử lý cực nhanh, độ chính xác gần như tuyệt đối, dễ dàng làm nhiều việc cùng một lúc và phân tích những cơ sở dữ liệu với quy mô không tưởng; trong khi loài người chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất một việc trong một thời điểm; và nếu phải làm việc với cường độ cao tương tự như máy móc, con người thường có triệu chứng mệt mỏi, khiến hiệu năng giảm sút, và kết quả sai sót là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng ngoài lý do trên, thì một động cơ quan trọng khác đằng sau nỗ lực phát triển trí tuệ nhân tạo có các chức năng như não bộ để thay thế hoàn toàn con người chính là vì bản chất logic tuyệt vời của chúng.
Không giống như loài người, máy móc chẳng hề có sĩ diện, và cũng chẳng bao giờ cư xử cảm tính cả. Chúng không biết thì sẽ thẳng thắn thừa nhận là không có câu trả lời, và hiển thị lỗi. Trong khi đó, con người thường cố gắng ngụy biện cho sự thiếu hiểu biết của mình bằng những suy diễn vô thưởng vô phạt, chỉ để tránh khỏi cảm giác bất an khi bản thân không có đủ kiến thức. Những cỗ máy cũng là bậc thầy về lòng kiên định, chỉ cần chưa tìm ra đáp án thì sẽ cần mẫn làm việc không ngừng nghỉ cả đêm lẫn ngày, với lòng nhiệt thành chẳng hề suy giảm. Ngược lại, chúng ta lại có xu hướng chán nản, buồn phiền và dễ từ bỏ trước những nhiệm vụ khó khăn. Và thêm nữa, làm việc với máy móc, người ta sẽ không cần lo lắng chúng phản bội mình, bán thông tin cho công ty khác, không sợ việc chúng kết bè phái gây mất đoàn kết nội bộ, càng chẳng phải đau đầu suy nghĩ làm sao để tạo động lực thúc đẩy chúng làm việc như vẫn làm với nhân công là con người.
Vậy nên, chẳng phải là điều phi lý khi thế giới ngày càng ưa chuộng công nghệ và kỳ vọng chúng có thể thay thế con người đến như vậy!
Tuy nhiên, sau tất cả, có phải máy móc thực sự là một thứ toàn năng như một số người đã ca ngợi không? Liệu chúng ta đã hiểu hết mọi thứ về những cỗ máy xuất chúng mà mình tạo ra chưa?
Và việc ta nỗ lực tự động hóa những phát minh khoa học, để chúng tự đưa ra những quyết định thông minh của mình mà không cần đến sự can thiệp của loài người đầy khiếm khuyết, có thực sự khiến mọi thứ trở nên hoàn hảo và tốt đẹp hơn không?
Suy cho cùng, máy móc và con người có thể tồn tại mà thiếu nhau được không?
Phải chăng sự hòa hợp này cũng chính là mong muốn của tác giả về tương lai khả dĩ của nhân loại?
Triết lý tình yêu đẹp đẽ và sâu sắc
Thật đáng ngạc nhiên khi một tiểu thuyết trinh thám viễn tưởng như “Nguồn cội” – một câu chuyện mà khi mới đọc qua phần giới thiệu, người ta ngỡ là chỉ có án mạng và những lý thuyết khoa học vĩ mô ấy – lại có thể ẩn chứa những bài học về tình yêu nhân văn đến như vậy.
- “Tình yêu là một thứ riêng tư. Thế giới không cần phải biết chi tiết.”
–Dan Brown, Nguồn cội-
Đây là bài học quý giá mà quyển sách dành riêng cho tình yêu đôi lứa.
Một số người có quan niệm rằng, yêu ai thì phải để cả thế giới biết mới chứng minh được tình cảm của mình. Một ví dụ điển hình của quan điểm này là những màn tỏ tình, cầu hôn trước mặt toàn thể gia đình và bè bạn, ở nơi công cộng, hay thậm chí là trên sóng truyền hình, với hàng triệu người đang theo dõi.
Trong vài trường hợp, thường là có sự đồng thuận ngầm từ cả hai phía, hành động này quả thực là rất lãng mạn và khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, nếu mọi thứ không suôn sẻ như vậy thì sao? Nếu một trong hai bên vẫn chưa sẵn sàng, nhưng không thể làm mất thể diện người kia trước đám đông, đành phải miễn cưỡng đồng ý?
Vậy thì có khác nào là bị ép buộc? Và liệu mối quan hệ này có còn bền vững nữa không?
Đó là một trong những lý do mà sự riêng tư là vô cùng quan trọng. Tình yêu, dù sao đi nữa cũng chỉ là chuyện của hai người. Khi mọi việc vẫn chưa có gì rõ ràng, khi chưa có được sự chấp thuận từ phía còn lại, ta không nên mang tình yêu của mình ra công khai trước thế giới. Nếu mọi việc diễn ra không như ý, điều này sẽ khiến người khác hiểu sai về mối quan hệ của ta; và vô tình, ta để người mình yêu phải gánh một áp lực nặng nề, khi phải cố gắng diễn cho tròn vai để hợp thức hóa mối tình đẹp đẽ trong mắt thiên hạ.
Và như vậy, ta cũng vô tình đánh mất đi sự tôn trọng dành cho người bạn đời tương lai của mình.
- “Tình yêu không phải là một cảm xúc giới hạn. Chúng ta không chỉ có bấy nhiêu để mà chia sẻ. Trái tim ta tạo ra tình yêu khi ta cần đến nó.”
–Dan Brown, Nguồn cội-
Chia sẻ tình yêu là một khái niệm không mấy mới mẻ. Người ta vẫn thường trêu chọc trẻ con rằng nó sẽ “bị cho ra rìa” nếu trong nhà có thêm một em bé. Ta có xu hướng không muốn những người quan trọng với mình yêu thương nhiều người khác nữa. Ta thường so sánh và ghen tị. Ta lo ngại rằng tình cảm mà chia sẻ cho quá nhiều người thì cuối cùng, mỗi người trong đó có cả ta, sẽ không nhận được chút tình thương nào nữa.
Nhưng “Nguồn cội” đã cho người đọc một góc nhìn hoàn toàn khác biệt. Vì tình yêu là không có biên giới. Vì yêu thêm một người, không phải là san sẻ bớt vị trí trong lòng ta của những người đến trước, mà là tạo ra thêm nhiều tình yêu hơn nữa trong vũ trụ này. Mỗi tình yêu như vậy lại mang màu sắc và ý nghĩa khác nhau. Tình yêu đôi lứa thì sẽ không giống với tình cảm gia đình hay tình thương nhân loại.
Giống như những người làm cha mẹ có thể ngay lập tức yêu thương đứa trẻ mới sinh mà không hề giảm bớt tình cảm dành cho nhau.
Giống như những người hướng ngoại thích kết giao thêm bạn bè mới nhưng vẫn không quên ngày kỷ niệm cùng hội bạn thân hữu.
Giống như những tình nguyện viên vừa chu toàn việc gia đình, vừa chăm sóc trẻ mồ côi và những người lang thang không nơi nương tựa.
Và cũng giống như cái cách mà Cha Bẽna – một tu sĩ mộ đạo với lòng kính yêu Chúa sâu sắc trong truyện – tin tưởng vào những điều kỳ diệu mà khoa học đã đóng góp cho thế giới.
Quả thật, tình yêu không phải là để san sẻ. Ta có thể yêu một thứ này hay một sinh vật này mà không cần bớt đi tình thương với một thực thể khác. Ta luôn có cách để nhân đôi tình yêu của mình. Tình yêu sẽ đơm hoa kết trái bất cứ khi nào ta cần đến nó – như cái cách mà một nguồn năng lượng khổng lồ bí ẩn được tạo ra từ thuở sơ khai, làm cho vũ trụ ban đầu nhỏ hơn cả hạt hạ nguyên tử đột ngột dãn nở, ban ánh sáng cho khắp nơi, cho sự sống và con người chúng ta cơ hội có mặt trên đời này.
Link mua sách:
- Fahasa: https://shorten.asia/rBsvBHFP
- thuviensach.org: https://shorten.asia/V6f56EyN
- Shopee: https://shorten.asia/PWw3AC9P
Gấu