Đến ngọn hải đăng: Bản phác hoạ thời gian

Một gia đình. Vài vị khách. Một chuyến đi từ căn nhà nghỉ đến ngọn hải đăng. Và một bức tranh. Tất cả hòa thành câu chuyện của mười năm và của một khắc. Tất cả, nhập nhằng trong dòng hoài niệm và suy tưởng miên man của Virginia Woolf, nhẹ nhàng như thời gian, khốc liệt như thời gian, vô thường và vĩnh cửu như thời gian…

Xem thêm tác phẩm của Virginia Woolf:

  • Căn phòng riêng: Những trở lực khi phụ nữ viết văn
review sach den ngon hai dang by reviewsach.net
Nguồn: Instagram @books_of_lai

Virginia Woolf (1882 – 1941) là một nữ văn sĩ người Anh, có đóng góp quan trọng cho nền văn chương hiện đại của thế kỉ 20. Cùng với những nhà văn đi trước như Marcel Proust và James Joyce, bà đã sử dụng nhuần nhuyễn bút pháp “Dòng ý thức” trong tác phẩm của mình, mở ra những thế giới nghệ thuật mới nơi mà dòng chảy nội tâm của con người, với tất cả những mong manh vô định và thiên biến vạn hóa của nó, xô dạt cả bức tường câu chữ để trở thành trung tâm khám phá của nghệ thuật. “Tới ngọn hải đăng” (tựa gốc: “To the lighthouse”), xuất bản năm 1927, được xem là tác phẩm thành công nhất của bà. Tiểu thuyết này được chia thành ba phần: phần thứ nhất “Khung cửa sổ” vẽ nên một bức tranh nhiều gam màu phong phú với gia đình Ramsay và những vị khách của họ, cùng những gì đã xảy ra giữa những con người đó từ sau bữa ăn trưa cho đến khi kết thúc bữa tiệc tối trên ngôi nhà nghỉ mát mùa hè của gia đình Ramsay trên đảo Skye, quần đảo Hebrides, Scotland. Phần thứ hai “Thời gian qua” lại gói trọn mười năm đầy bể dâu đã trôi qua từ khi kết thúc phần một, đan xen những biến cố, sự chia ly, cái chết của các nhân vật với sự điêu tàn và hoang phế của ngôi nhà. Phần ba, “Tới ngọn hải đăng” kết thúc câu chuyện với chuyến trở về ngôi nhà năm xưa của những người còn sống, nay đã đổi thay nhiều, để hoàn thành những điều còn bỏ dở mười năm về trước. 

 

Dòng ý thức: Con người trong thời gian hay thời gian trong con người?

Thời gian như những hạt cát qua kẽ tay. Rơi. Như vốc nước qua kẽ tay. Trôi. Đó là nỗi quan hoài, cũng là nguồn cảm hứng vô tận từ cổ chí kim của những người nghệ sĩ. Nghệ thuật, với họ, là mảnh vải màu nhiệm để thu lại hình sắc của mỗi hạt cát, mỗi giọt nước đã từng đi qua cuộc đời họ: nói đúng hơn, những hạt cát và giọt nước ấy chính là cuộc đời họ. 

Trong mỗi khoảnh khắc của thời gian, con người vừa sinh ra cũng vừa chết đi. Vì vậy, muốn nhìn thấy bản thể của chính mình, muốn tìm lại chính mình, rất nhiều người đã dấn thân vào chuyến hành trình “Đi tìm thời gian đã mất” (chữ của Marcel Proust). “Dòng ý thức” – một kĩ thuật cho phép nhà văn giải phóng dòng cảm xúc, suy tư và liên tưởng của nhân vật, để chúng tràn ra tự do, không quy luật và không giới hạn trên trang giấy – ra đời, bên cạnh khả năng khai quật những tầng vỉa mới của “con người trong con người”, nó còn có ý nghĩa rất lớn trong việc khơi mở tất cả những tiềm năng của “thời gian trong con người” – cái thời gian vừa vô tận, vừa chóng vánh, vừa ý nghĩa, vừa vô nghĩa mà trong đó, con người thực sự sống và thực sự quắt quay với sự sống của mình. Thời gian ấy rất tâm lý: nó có thể ôm chứa cả một đại dương suy tư trong một khắc trở mình. Thời gian ấy cũng rất vật lý: nó hủy diệt tất cả – tình yêu, vẻ đẹp, sự sống – trong chính cái khoảnh khắc mà tưởng như nó đang gia ân với tất cả. Virginia Woolf không sáng tạo ra “Tới ngọn hải đăng” để kể một câu chuyện mà ai cũng kể được. Nó chính là nỗ lực tìm lại thời gian đã mất của bản thân bà bằng văn chương: ta dễ dàng nhận thẩy những hoài niệm tuổi thơ của Virginia để lại dấu ấn rất rõ trên những gì được mô tả trong truyện, và hình ảnh ngôi nhà nghỉ hè trên đảo Skye không gì khác chính là một bản sao của ngôi nhà Talland House nhìn ra vịnh Porthminster, nơi Virginia Woolf đã trải qua những tháng năm đẹp nhất của đời bà. 

Bản phác họa thời gian 

Nếu hình ảnh gia đình Ramsay, đặc biệt bà Ramsay, được tạo ra từ những hoài niệm tuổi thơ của nhà văn, thì vị khách của gia đình bà, nữ họa sĩ Lily Briscoe, là hiện thân của chính Virginia Woolf trong câu chuyện của “thời gian đã mất”. Cũng như Virginia, Lily là một nữ nghệ sĩ bị ám ảnh sâu sắc bởi định kiến của cánh đàn ông: “Phụ nữ không thể vẽ. Phụ nữ không thể viết”. Nhưng cô luôn đấu tranh với định kiến đó và khát khao đi đến cùng thứ nghệ thuật của riêng mình, mà đại diện hoàn hảo cho nó là bức tranh mà cô phải mất tới mười năm mới hoàn thành được. Mười năm để những ấn tượng trở thành viễn tượng. Mười năm để cuộc sống biến thành kỉ niệm và kỉ niệm biến thành nghệ thuật. Có lẽ đó cũng là một ẩn dụ cho hoạt động sáng tạo của chính Virginia: khao khát vẽ nên bức tranh cuộc đời, với bà, chỉ có thể thành tựu khi thời gian trong con người bà đã chín. Nói cách khác, muốn nhìn thấy tất cả, từ cận cảnh và viễn cảnh của cuộc đời, bà phải thể nghiệm nó bằng tất cả các sắc độ của thời gian

Phần đầu tiên, “Khung cửa sổ” là phần dài nhất, gồm 19 chương, chiếm gần nửa cuốn sách. Nhưng đây cũng là phần xảy ra trong khoảng thời gian thực ngắn nhất – một buổi chiều, chỉ tựa như một cái chớp mắt của cả một đời người. Nhưng trong cái chớp mắt ấy, Virginia để cho mỗi nhân vật sống trọn vẹn với thời gian tâm tưởng của chính họ. Họ như ở trong một thế giới thời gian ba chiều, nơi quá khứ, hiện tại và tương lai không ngừng xô đẩy và cật vấn lẫn nhau, nơi họ tự xoay chuyển, va chạm và mâu thuẫn với chính bản thân mình ở khắc sau hay khắc trước. Đôi khi những giằng xé âm thầm đó trở nên sâu sắc và riết nóng đến độ trở thành những nỗi băn khoăn bản thể, những câu hỏi sống còn. Đó là bà Ramsay – một người đàn bà đại diện cho thiên tính nữ với đời sống tinh thần thuộc loại sôi động và “nhập thế” bậc nhất truyện, nhưng ở một phương diện nào đó, dường như người phụ nữ này cũng gần nhất với bản chất hư vô của đời người: ”Ai đó đã sai lầm!”. Đó là ông Ramsay dường như luôn ở ngoài cuộc đời với những câu thơ, câu hát bất thần và lạc lõng, nhưng lại không thể sống thiếu “sự cảm thông” của người khác, luôn cống hiến cho sự nghiệp triết học vì muốn ghi dấu ấn của mình trên dòng chảy thời gian nhưng đồng thời cũng hiểu hơn ai hết sự vĩnh cửu không phải là thứ dành cho mình, nói đúng hơn, cho con người: “Ngay cả một hòn cuội mà người ta giơ chân đá văng xuống cũng sẽ tồn tại lâu hơn Shakespeare”. Đó cũng là nữ họa sĩ Lily Briscoe, người nghệ sĩ luôn tự dằn vặt giữa một bên là đỉnh cao nghệ thuật, là tinh chất của sự sống mà cô luôn nỗ lực vươn đến bằng cả linh hồn, và một bên là cái mà cô gọi là tài năng chưa chín tới của cô, sự tầm thường của cô, “những con quỷ” kéo ý niệm của cô ra khỏi những gì mà cô thấy…

Mỗi người như sống trong thời gian của riêng mình – một thời gian được nới rộng ra vô cùng bởi những suy tưởng và cảm xúc mà họ đặt vào trong đó. Nhưng những dòng thời gian ấy lại không bao giờ khép kín mà luôn nằm trong tầm ảnh hưởng của người khác, như cách mà hầu như tất cả những nhân vật trong tiểu thuyết này nằm trong tầm ảnh hưởng của bà Ramsay. Dòng sông tâm tưởng của họ không ngừng vận động, đào khoét vào chính nó nhưng đồng thời cũng không ngừng tìm đến những dòng sông khác. Nói đúng hơn: nó không thể nhận ra mình nếu thiếu những dòng sông khác. Tương tác giữa những nhân vật với nhau và với môi trường xung quanh, có thể là một ngọn hải đăng, một bồn hoa, cái kẹp tóc hay những con sóng biển ban chiều,… rất phong phú và kéo thế giới nội tâm của họ vận động theo những chiều hướng rất riêng, với những va chạm ngẫu nhiên, khi chồng lấn lên nhau rồi lại tan vào nhau, khi tụ lại, tán ra tưởng sẽ không gặp nhau lần nữa, rồi tụ lại,… Thời gian thực tế chỉ là một buổi chiều. Nhưng nén lại trong buổi chiều ấy là cả một bức tranh sự sống phong nhiêu, vồn vã tỏa ra trên nhiều chiều kích và được đưa đẩy theo nhiều hướng, là những con người vừa đánh vật với thế giới của riêng mình vừa tìm ý nghĩa của thế giới ấy trong thế giới chung, là những hoài nghi không ngừng và khao khát không ngừng, những khả năng không ngừng và những thất vọng không ngừng, là im lặng không ngừng và đối thoại không ngừng… Trong khoảng thời gian ngắn nhất là sự sống (và thời gian!) ở dạng sinh động và vô biên nhất.

Còn trong khoảng thời gian dài nhất thì sao? Thời gian thực của phần hai: “Thời gian trôi” kéo dài mười năm nhưng được thu lại trong vỏn vẹn 10 chương, so với 19 chương ở phần một. Nếu như phần một có ít thời gian nhưng nhiều sự sống, thì ở phần hai là nhiều thời gian, nhưng sự sống đã trở thành một cái gì đó xa xôi. Một cái gì đó dửng dưng. Một cái gì đó vắng mặt. Chỉ có ngôi nhà là ở lại, tàn tạ dần trong bước đi im lặng và lạnh lẽo của thời gian: “Thế là với ngôi nhà trống rỗng, những cánh cửa khóa chặt và những tấm thảm cuộn lại, những làn gió nhẹ tản mác ấy, những cảnh vệ tiên phong của các đoàn quân lớn, ào ào thổi vào, quét qua những tấm ván trần, nhấm nhẳn và tỏa thành hình rẻ quạt, chẳng gặp thứ gì trong căn phòng ngủ hay phòng khách vốn đã hoàn toàn ghi nhận chúng ngoài những vật treo tường bay phần phật, những đồ gỗ kêu cọt kẹt, những chân bàn trần trụi, những cái chảo và đồ sứ đã đóng đầy cặn cáu, xỉn mờ, nứt vỡ. Những thứ mọi người đã bỏ rơi lại – một đôi giày, một cái mũ đi săn, vài chiếc váy và áo khoác bạc màu trong tủ quần áo – chỉ có những thứ đó mới còn lưu giữ hình dáng con người và biểu thị trong nỗi trống vắng rằng chúng đã từng được khoác mang và làm cho sống động ra sao; những bàn tay đã từng bận rộn với những cái khuy và móc áo ra sao; tấm gương đã từng ôm giữ một gương mặt ra sao; đã từng ôm giữ một thế giới bên ngoài trong đó một hình dáng xoay chuyển, một bàn tay vụt hiện, cánh cửa mở ra, lũ trẻ ùa vào nhốn nháo; và ùa ra ngoài trở lại. Bây giờ, ngày nối tiếp ngày, ánh sáng biến chuyển hình ảnh sắc nét của nó trên bức tường đối diện, như một bông hoa phản chiếu trên mặt nước…”

Những dòng văn như lột trần sự vô tình của thời gian, sự biến thiên khốc liệt của thời gian, để từ đó, nỗi hư vô chạm đáy. Hư vô của đời và hư vô của người. Trong ngôi nhà, sự tồn tại tàn phai và kỉ niệm cũng dần tàn phai. Sự tàn phai này được tác giả diễn tả rất tỉ mỉ. Nó gián tiếp gợi lên sự tàn phai ở ngoài kia, nơi nhân loại đang tự hủy diệt mình trong thế chiến thứ nhất, nơi những con người vắng mặt cùng dòng thời gian tâm tưởng của riêng họ đánh mất đi sự sống và tấm lòng thơ trẻ của mình trong một dòng thời gian lớn hơn, chảy trôi với một nhịp điệu vô hình không gì kiềm lại được. Những gì cho thấy họ từng hiện hữu trong ngôi nhà, có vẻ vẹn nguyên đến thế, nhưng cứ mất mát dần đi, cho tới một ngày kia chỉ còn “một cây loa kèn đuốc nằm giữa những bụi tầm ma, hoặc một mảnh đồ sứ trong bụi độc cần” là nhớ rằng “nơi đây trước kia đã có người từng sống; nơi đây từng có một ngôi nhà”. Tất cả những sự kiện lớn trong đời, và cái chết của họ – của bà Ramsay, đứa con gái Prue và đứa con trai Andrew, đều được tường thuật một cách hết sức sơ lược và khách quan trong những dấu ngoặc vuông xuất hiện đây đó, cứ tựa như những biến cố không đáng kể, xuất hiện và cứ như vậy, vùi lấp bên lề thời gian.

Về một hạt cát mang tên con người

“Có lẽ tên tuổi của ông sẽ tồn tại được hai ngàn năm. Và hai ngàn năm là cái quái gì […] Là cái quái gì, thật thế, khi bạn nhìn từ một đỉnh núi xuống bãi sa mạc thời gian vô tận?”

Đó là những suy tưởng của ông Ramsay bên hàng dậu về khát vọng bất tử hóa chính mình ở phần một của cuốn tiểu thuyết. Thời gian là tất cả mà cũng chẳng là gì cả. Không gì vô tận bằng nó và không có gì mong manh bằng nó.

Cũng giống y như con người.

Ở phần một, ta đã thấy con người có thể sống vô biên thế nào trong một hạt cát của thời gian. Ở phần hai, ta lại thấy sự tồn tại của chính những con người ấy là phù du thế nào giữa một bãi sa mạc của những năm tháng. Con người rõ ràng không thể níu kéo lại sự sống của chính mình mà chỉ có thể để mặc cho sự sống ấy tiếp tục chuyến hành trình của riêng nó. Để rồi chính trong chuyến hành trình đó mà con người tìm thấy chính mình, tìm thấy sự toàn vẹn và vô biên trong từng khoảnh khắc thời gian của chính mình. Ở phần một, mỗi “dòng ý thức” của từng nhân vật vận động trong từ trường của những con người, sự vật và sự việc khác nhau. Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy sự vận động ấy cũng không hoàn toàn hỗn loạn. Nó tiếp nhận nơi này một ấn tượng, nơi kia một ảnh hưởng, nhưng nhìn chung đều vận động theo chiều hướng tâm, hướng vào giải quyết những xung đột bên trong chính mình, hướng vào việc thăm dò nơi sâu nhất trong bản thể mình, hòng hoàn thiện chính mình.

Vận động ấy thể hiện rất rõ trong phần thứ ba của cuốn tiểu thuyết, “Tới ngọn hải đăng”, nơi mà những nhân vật, sau mười năm, quay trở về căn nhà cũ để hoàn thành những điều còn dang dở. Ông Ramsay, cùng hai đứa con là Cam và James bắt đầu chuyến đi đến ngọn hải đăng – việc mà mười năm trước James vẫn luôn ao ước, nhưng bị cản trở bởi câu nói của ông Ramsay: “Ngày mai trời sẽ không đẹp”. Lily, trong khi theo dõi họ, cũng đã đặt những nét cọ cuối cùng trên bức tranh mà mười năm trước, những rào cản từ tâm lý đến vật lý đã không cho phép cô hoàn thành. Tại sao họ lại trở về nơi thời gian đã mất, và những việc mà họ làm còn có ý nghĩa gì không, khi mười năm đã trôi qua và mọi thứ đều đã đổi thay? James không còn là một đứa trẻ. Nó chẳng thiết tha gì nữa với việc đi ra ngọn hải đăng mà chỉ chăm chăm vào việc thủ tiêu sự bạo ngược và chuyên chế ở cha nó. Những nhân vật được phác họa trong tranh của Lily – bà Ramsay và đứa con thơ, cũng đã không còn ở đó cho những nét vẽ của cô. Nhưng việc đi đến ngọn hải đăng, hay việc vẽ, ngay từ đầu đã không đơn giản là một công việc để làm vì cần phải làm như thế. Nó là công việc con người khao khát làm, vì họ tin rằng khi làm những việc ấy, họ sẽ tự hài lòng với việc tồn tại. Và sự thực đúng là như vậy. Việc đi đến ngọn hải đăng làm cho ba cha con nhà Ramsay xích lại gần nhau, thôi dằn vặt lẫn nhau và dằn vặt chính mình. Hoàn thành bức tranh làm cho Lily vượt qua những mặc cảm vốn bài xích cô với nghệ thuật của cô, giúp cô nhìn thấy sự trống rỗng của những bậc thềm, sự mờ mờ của những bức tranh. Tất cả sẽ bị hủy diệt bao gồm cả bức tranh của cô. Nhưng điều đó không còn ý nghĩa nữa. Thời gian không còn gây đau đớn nữa. Bởi cô đã đối diện với sự mất mát của nó. Bởi cô đã nhìn thấy bản chất của nó. Bởi vì cô, và cả ba cha con nhà Ramsay, đã hòa giải với nó. Hòa giải với quá khứ. Hòa giải với chính mình.

Và thời gian, đã tìm lại được. 

Link mua sách:

  • thuviensach.org: https://shorten.asia/fSUpHVx4
  • Shopee: https://shorten.asia/6UqzsUKm
  • Fahasa: https://shorten.asia/QCxS5Rsd
Cập nhật lúc 1:31 - 30/08/2022
Sách cùng chủ đề

Bình luận